Binh đoàn nhỏ lẻ tìm nơi trú ẩn sau làn sóng bán tháo
Các nhà đầu tư chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ sau khi đợt bán tháo khốc liệt trên thị trường tài chính “cuốn bay” hàng ngàn tỷ USD và làm xói mòn niềm tin vào các tài sản rủi ro cao.
Đến nay, gần 140 tỷ USD rót vào các quỹ thị trường tiền tệ trong năm 2022, theo Viện Công ty Đầu tư (ICI). Đến nay, quy mô của các quỹ này đã tăng lên 1.55 ngàn tỷ đô sau 10 tuần hút vốn liên tiếp. Chỉ trong 3 tuần qua, gần 36 tỷ đô đã chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ.
Dòng tiền chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ sau đợt bán tháo mạnh mẽ và kéo dài trên thị trường cổ phiếu Mỹ trong năm 2022. Trong đó, gần 15 ngàn tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi các công ty giao dịch đại chung. Chỉ số S&P 500 ghi nhận chuỗi quý giảm dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Sự hỗn loạn của thị trường - được thúc đẩy bởi lạm phát cao và việc Fed nâng lãi suất quyết liệt - đã bào mòn niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế cảnh báo suy thoái trong năm tới.
“Đây là một trong những năm mà ai cũng ‘bỏng tay’ vì cổ phiếu và năm 2022 thực sự là một môi trường mà bạn không muốn động vào”, Joe D'Angelo, nhà quản lý tài sản phụ trách thị trường tiền tệ của PGIM Fixed Income, cho hay.
Mức tỷ suất cao hiện tại của các quỹ thị trường tiền tệ cũng thu hút các nhà đầu tư, nhất là khi lãi suất với các tài khoản tiền gửi tiết kiệm ở các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America đều gần 0%.
Quỹ trái phiếu Chính phủ ngắn hạn trị giá 240 tỷ USD của Fidelity hiện có lợi suất gần 2.6%, trong khi lợi suất với quỹ thị trường tiền tệ của Vanguard tăng lên 2.83% trong tháng này.
Một chỉ số theo dõi 100 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất của Crane Data cho thấy lợi suất trung bình của các quỹ này đã tăng lên 2.77% từ mức 0.02% hồi đầu năm.
“Với các nhà đầu tư cá nhân, bạn có thể kiếm chút lợi nhuận từ quỹ thị trường tiền tệ lần đầu tiên trong khoảng thời gian dài”, Steve Sosnick, Trưởng bộ phận chiến lược tại Interactive Brokers, cho hay. “Trong nhiều năm qua, chúng ta đã nghe tới câu ‘không còn kênh thay thế’ nhưng giờ thì có rồi”.
Không chỉ binh đoàn nhỏ lẻ, các nhà quản lý tài sản lớn cũng đang tăng tiền mặt và chờ cơn bão qua đi ở cả thị trường cổ phiếu lẫn thị trường có thu nhập cố định. Một cuộc khảo sát của Bank of America trong tuần này cho thấy trong tháng 10/2022, các nhà quản lý tài sản đang nắm giữ 6.3% tiền mặt trong danh mục, mức cao nhất kể từ tháng 4/2001.
Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều người trú ẩn sang tiền mặt, quỹ thị trường tiền tệ cho các nhà đầu tư tổ chức cũng bị rút vốn 87.4 tỷ USD kể từ khi Fed nâng lãi suất. Tổng mức vốn rút ra trong năm 2022 đã vượt 250 tỷ USD.
Lượng rút vốn một phần đến từ việc các công ty tăng cường chi tiêu. Tháng trước, các chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs cảnh báo “số dư tiền mặt đã trở lại mức bình thường trước dịch”.
“Lượng tiền mặt của doanh nghiệp đã được dùng để trả bớt nợ, đầu tư vào các mảng kinh doanh và còn vì lạm phát đã khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn”, Matt Jones, Trưởng bộ phận phân bổ thanh khoản tại Western Asset Management, cho hay. “Chi phí vận hành doanh nghiệp cao hơn so với trước”.