A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà đầu tư chứng khoán bị "vạ lây"

Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ nặng trong "cơn sóng" giảm giá mạnh của thị trường chứng khoán sau những thông tin dồn dập về các vụ "bắt bớ", bao gồm cả tin đồn...

Tính đến phiên cuối tuần 8-4, chỉ số VN-Index đứng ở mức 1.482 điểm, giảm 2,27% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 4,86% xuống 432,02 điểm. UPCoM-Index giảm 1,18% xuống 115,81 điểm. Thanh khoản của thị trường tuần qua tiếp tục giảm 7% so với tuần trước, đạt mức bình quân khoảng 30.000 tỉ đồng/phiên.

"Khóc ròng" vì ôm cổ phiếu đầu cơ

Nếu tính từ ngày 10-1 - thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu và sau đó là các vụ xử lý vi phạm liên quan; tiếp đến là vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm và gần nhất là vụ hủy 9 lô trái phiếu cũng của tập đoàn này, thị trường chứng khoán liên tục chao đảo. Chỉ số VN-Index đã giảm từ mức đỉnh 1.525 điểm xuống 1.482 điểm ở thời điểm hiện tại. Các nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa nhỏ; nhóm cổ phiếu bất động sản vốn có tin đồn có "đội lái"… liên tục bị giảm sâu, thậm chí giảm kịch sàn nhiều phiên. Không ít nhà đầu tư "khóc ròng" vì thua lỗ nặng.

Một nhà đầu tư giấu tên ở TP HCM - đang ôm cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Xây dựng FLC Faros (mã ROS) - cho biết nghe môi giới tư vấn lướt sóng đầu cơ mã này, chỉ vài tuần là có lời to. Vừa mua xong, cổ phiếu về tài khoản, chưa có lãi thì thông tin Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt khiến cổ phiếu này lao dốc. Đến giờ số cổ phiếu ông đang nắm giữ lỗ gần 40% giá trị. "Đặt 2-3 phiên bán ra nhưng không khớp, tôi đành để luôn. Mua chưa tới 200 triệu đồng nhưng tài khoản đã "bay" hơn 70 triệu đồng" - nhà đầu tư này than.

Nhà đầu tư chứng khoán bị vạ lây - Ảnh 1.

Không chỉ cổ phiếu đầu cơ mà nhiều mã cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn tốt cũng bị “vạ lây” vì hệ lụy từ những vụ án, tin đồn trên thị trường chứng khoán. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một trường hợp khác là anh Ngọc Toàn, nhà ở quận Bình Tân (TP HCM), mua cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (mã KLF) thuộc nhóm có liên quan ông Trịnh Văn Quyết. Cổ phiếu chưa về tài khoản đã bị "đạp sàn" liên tiếp vì tin bắt tạm giam chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Thấy xu hướng có thể giảm tiếp, anh Toàn đành bấm bụng bán ở phiên thứ 3 và chịu lỗ gần 20%.

Trong nhiều nhóm cộng đồng đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội Zalo, Facebook…, hàng ngàn nhà đầu tư cho biết đang ôm cổ phiếu bất động sản với mức lỗ từ 10%-40%. Thậm chí không ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm từ tháng 1-2022 đến giờ vẫn đang "gồng lỗ" tới 45%-50% sau khi "đu đỉnh" ở vùng giá cao nhất.

Chưa hết, tuần qua nhóm cổ phiếu có liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Gelex, cũng bị giảm sốc, nhiều mã giảm sàn vì tin đồn thanh tra, sẽ xử lý vi phạm liên quan đến lãnh đạo tập đoàn này. Các mã chứng khoán có liên quan như: GEX, VGC, VIX, IDC, GEE… lần lượt giảm gần 20% chỉ trong 3-4 phiên gần nhất. Tin đồn này khiến nhiều nhà đầu tư "từ lãi thành lỗ" chỉ trong vài phiên, nhiều người mất hàng tỉ đồng. Trong khi đó, đến giờ tin đồn trên chưa được kiểm chứng, còn mọi hoạt động liên quan đến đại hội cổ đông, kế hoạch chia cổ tức của tập đoàn này vẫn diễn ra bình thường.

Vẫn thu hút nhà đầu tư mới, cần chọn lọc cổ phiếu

Đáng lưu ý, thị trường chứng khoán biến động mạnh và giảm sâu trong khoảng 2 tuần qua khiến cả cổ phiếu nhóm các ngành, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh khả quan cũng bị "vạ lây".

Dù đã bán hết cổ phiếu bất động sản, đầu cơ có khả năng ảnh hưởng bởi việc các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 lô trái phiếu doanh nghiệp nhưng ông Trung, nhà ở quận Bình Thạnh, vẫn không tránh khỏi khoản lỗ khi tài khoản chứng khoán "bốc hơi" hơn 7% (tương đương lỗ trên 350 triệu đồng).

 

"Nhiều mã cổ phiếu tôi nắm giữ thuộc ngành tốt, cơ bản như chứng khoán, tài chính dầu khí, hoàn toàn không liên quan đến các vụ "bắt bớ" hay trái phiếu doanh nghiệp… vẫn bị chuyển từ lãi sang lỗ. Điển hình cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW) đang lãi từ 170 triệu đồng trong vài tuần trước, hiện chỉ hòa vốn và có nguy cơ âm nếu thị trường tiếp tục giảm" - anh Trung lo lắng.

"Chết" vì tin đồn, "vạ lây" vì thông tin nhiễu loạn khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân đề xuất cơ quan quản lý cần mạnh tay làm trong sạch thị trường chứng khoán. Bởi đang có tình trạng các "đội lái" tung tin đồn để trục lợi, "đạp" giá cổ phiếu giảm sâu khiến nhà đầu tư là F0 vừa tham gia thị trường thua lỗ nặng.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, nhận định nếu so với những lần khởi tố các vụ án trước đây liên quan một số lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn, việc giảm điểm của thị trường chứng khoán đợt này không nhiều. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng tâm lý khiến nhà đầu tư bán tháo nhóm cổ phiếu "bất ổn", các mã chứng khoán khác dù có tốt vẫn bị tác động.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy số lượng tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 3-2022 tiếp tục tăng thêm 271.619 tài khoản. Lũy kế tới cuối tháng 3-2022, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản. Đặc biệt, lũy kế đến hết tháng 3, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt 4,93 triệu tài khoản. Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường liên tục phá kỷ lục phản ánh chứng khoán ngày càng trở thành kênh đầu tư phổ biến.

"Nhìn dài hạn, việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán là điều cần thiết nhằm lành mạnh hóa thị trường, tạo đà để thị trường phát triển mạnh, ổn định bền vững, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn sẵn sàng tham gia" - ông Vũ nhìn nhận.

Bức tranh dài hạn là tích cực

Trong báo cáo chiến lược tháng 4-2022, Công ty Chứng khoán SSI nhận định các biện pháp giúp làm lành mạnh hóa và giảm thiểu đầu cơ của Chính phủ trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu đang được thực hiện, về mặt lâu dài sẽ có tác động tích cực. Dù vậy, vẫn chưa thể loại trừ các biến động ngắn hạn bởi đặc thù thị trường chứng khoán Việt Nam là nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chi phối chính.

Trong báo cáo chiến lược tháng 4-2022, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng việc chủ tịch một tập đoàn bị bắt vì thao túng chứng khoán vừa qua đã gây rung lắc thị trường trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm duy trì sự phát triển bền vững của thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, rủi ro từ nhóm cổ phiếu nhỏ gia tăng khi cơ quan chức năng mạnh tay hơn trong việc xử lý các trường hợp thao túng giá cổ phiếu. Dù vậy, mùa đại hội cổ đông trong tháng 4 sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường và dòng tiền sẽ luân chuyển đến cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh và nền tảng cơ bản tốt trong năm nay.

T.Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :