Liệu cổ phiếu ngân hàng có thể “đón gió đông” sau kết quả kinh doanh quý 2?
Nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung đang tích lũy sau đà tăng ấn tượng nửa đầu năm. Kết quả kinh doanh quý 2 đang là thông tin được cả thị trường chờ đợi và tín hiệu cho thấy sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn.
Chính sách tiền tệ nới lỏng dần ngấm vào thị trường. Lãi suất VND giảm mạnh. “Tiền rẻ” thực sự thể hiện trên liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm nằm sâu dưới 0.5%/năm. Thị trường chứng khoán liên tiếp bùng nổ những phiên quy mô “tỷ đô”.
Theo thông lệ hàng năm, chỉ còn khoảng tuần nữa thị trường đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các NHTM. Liệu đây sẽ là “gió đông” để nhóm cổ phiếu ngành này có đợt bứt phá mới?
Định giá cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn
Trước thềm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, VN-Index có mạch tăng ấn tượng. Trợ lực dòng tiền thể hiện rõ với loạt phiên “tỷ đô”, nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản mới…
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, thời gian qua nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng bởi những khó khăn trong năm 2022 chuyển tiếp sang 2023, liên quan đến thị trường trái phiếu, bất động sản và áp lực nợ xấu. Khi các vấn đề này dần được tháo gỡ bằng những quyết sách mạnh nói trên, khi niềm tin trở lại thì cổ phiếu ngân hàng càng thêm hấp dẫn với mức định giá hiện nay.
Trên sàn, VN-Index đã vượt mốc 1,150 điểm, PE thị trường đã đạt trên 15 dẫn đến tương quan định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng càng trở nên hấp dẫn khi chỉ từ 5-7.
Phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) và nhiều công ty chứng khoán khác gần đây đều cho thấy định giá cổ phiếu ngân hàng đang thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngành ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Theo đó, những kết quả kinh doanh khởi sắc được kỳ vọng sẽ xua tan tâm có phần bi quan của nhà đầu tư về nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt tại những nhà băng có sức chống chịu tốt. Quan trọng hơn, kết quả kinh doanh khởi sắc cũng sẽ là điểm mở cho xu hướng kinh doanh tích cực hơn nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024.
Cho giai đoạn nửa cuối năm, báo cáo mới đây của HSC đã bổ sung một số mã ngân hàng vào danh sách khuyến nghị, gồm HDB, MBB và TCB. Theo chuyên gia HSC, những cổ phiếu này vẫn có định giá hấp dẫn trong khi các yếu tố rủi ro nói chung đã giảm bớt.
Ước tính lợi nhuận trung bình 14 ngân hàng sẽ giảm khoảng 12 - 15% trong năm 2023. Theo đó, HSC ước tính lợi nhuận nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ. Cụ thể, nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV khá dè dặt khi lên kế hoạch kinh doanh với mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, chỉ khoảng từ 10 - 13%. Tuy nhiên, một số NHTMCP vẫn tự tin đề ra các mục tiêu tham vọng hơn như VPBank (33%), VIB (25%) và HDBank (24%). VPB và HDB cũng là 2 trong 3 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành trong quý 1/2023 (theo thống kê của VNDirect).
Mới đây, VNDirect cũng đưa ra bảng dự phóng kết quả kinh doanh giai đoạn 2023-2024 của 10 ngân hàng bao gồm top 9 lợi nhuận năm ngoái và LPB. Theo đánh giá của công ty chứng khoán này, hai nhà băng HDB và VCB sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm nay cao nhất nhóm lần lượt 17.7% và 16.1%. Sang đến năm 2024, HDB tiếp tục là ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất trên 20%.
Điểm sáng từ những quyết sách mạnh
Vừa qua, Vụ Dự báo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lợi nhuận trước thuế hệ thống ngân hàng trong quý 2/2023 tăng trưởng với các nhân tố nội tại (Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị) và khách quan (Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN) có cải thiện so với quý trước.
Những yếu tố này được các TCTD đánh giá là động lực quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh các ngân hàng quý 2/2023 và dự kiến cả năm 2023. Quý 2 vừa qua cũng chính là trọng tâm của những quyết định nới lỏng được ban hành, như về lãi suất và cơ cấu thời hạn trả nợ… Điểm sáng của những quyết sách cũng đã thể hiện ở lãi suất - chi phí trong nền kinh tế hạ nhiệt, “tiền rẻ” trên liên ngân hàng và thanh khoản mạnh mẽ trở lại trên sàn chứng khoán.
Về những điều chỉnh của chính sách tiền tệ và tài khóa vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: “Có thể nói đây là những quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng với một số tác động chính như: giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các TCTD, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay; hỗ trợ thanh khoản, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và đến giữa năm 2024, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất kinh doanh sau này”.
“Như vậy, ngành ngân hàng nói chung cũng hưởng lợi từ các chính sách mới này”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.