Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024?
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2023 với đầy đủ cung bậc thăng trầm. Ảnh: LÊ VŨ |
Năm 2023 nhiều biến động
2023 là năm ghi nhận nhiều biến động của thị trường chứng khoán. Nửa đầu năm là giai đoạn giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm 2022 với nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Sang quí 3-2023, các chỉ số trên thị trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Chẳng hạn, ngày 12-9-2023, chỉ số VnIndex đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm khi đóng cửa ở mức 1.245,44 điểm, tăng 24% so với cuối năm 2022. Nhưng ngay sau đó lại giảm rất mạnh, đưa chỉ số trở về khu vực 1.020 điểm chỉ sau chưa đầy 2 tháng. Những biến động quyết liệt đó khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường “say sóng”, thậm chí mất hết thành quả chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.
Tương tự với diễn biến của chỉ số, thanh khoản thị trường quí 3 đã được cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch bình quân đạt 24.641 tỉ đồng một phiên, tăng 80% so với mức giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm. Nhưng sang tháng 10, thanh khoản sụt giảm trở lại cùng với áp lực điều chỉnh của thị trường chứng khoán. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.492 tỉ đồng một phiên, giảm 13,3% so với cùng giai đoạn năm ngoái.
Nhìn lại thị trường năm 2023, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư của một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội cho rằng việc thị trường đảo chiều từ đầu tháng 9 đến nay, đánh mất hơn 200 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, do áp lực từ thị trường quốc tế.
Cụ thể, chỉ số DXY, được sử dụng để đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với sáu đồng tiền mạnh khác, tăng hơn 7,2% giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10-2023, dẫn tới NHNN phải rút một lượng lớn tiền về hệ thống thông qua kênh tín phiếu. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư dù các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế vẫn rất tích cực với tăng trưởng kinh tế quí 3-2023 đạt 5,3%, số liệu vốn giải ngân và đăng ký FDI vẫn duy trì tích cực, lạm phát được kiểm soát trung bình 10 tháng dưới 4%, mặt bằng lãi suất thấp.
Diễn biến trên, theo vị chuyên gia này, cũng cho thấy độ nhạy của thị trường chứng khoán với chính sách tiền tệ năm 2023. Theo đó, thị trường “hưng phấn” tăng mạnh sau động thái cắt giảm lãi suất liên tiếp của NHNN, rồi phản ứng tiêu cực hơn khi có động thái hút tiền để ổn định tỷ giá.
Với giai đoạn hiện tại, sau khi NHNN ngừng hút tiền, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại, thì diễn biến thị trường chứng khoán tiếp tục có sự hồi phục tích cực.
Kịch bản nào cho năm 2024?
Một số chuyên gia và đại diện công ty chứng khoán trong nước kỳ vọng sự xoay chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là động lực chính hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô năm 2024. Đây cũng là một điểm tựa cho thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn FinPeace, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá.
“Sau giai đoạn 2022-2023 đi xuống và đi ngang ở đáy, chúng tôi kỳ vọng năm 2024 có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Đây cũng là điểm bắt đầu một chu kỳ lớn”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, về mặt kỹ thuật, năm 2024 sẽ xuất hiện những nhóm cổ phiếu tăng trưởng được theo xu hướng (trend) và chớm đầu của xu hướng.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư của FIDT, cho rằng chỉ số VnIndex sẽ đi rất sát với diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2024. Về tình hình quốc tế, một số tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,3% năm 2024, cho thấy quốc gia này sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng không có suy thoái. Do đó, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 có thể ở mức tương tự 2023, tức 2,9% – theo dự báo của IMF.
Về chính sách tiền tệ, lãi suất đã đạt đỉnh nên Fed sẽ điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ giữa năm 2024, kéo theo hành động tương tự ở các ngân hàng trung ương thuộc các quốc gia phát triển. Ngoài ra, lạm phát dự báo hạ nhiệt và không còn là mối bận tâm của các ngân hàng trung ương.
Về Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2023 không quá tốt, nhưng chỉ số VnIndex vẫn tăng hơn 10%. Do đó, chuyên gia của FIDT nhận định năm sau Việt Nam có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong khoảng 6–6,5%, do chính sách tiền tệ – tài khoá có độ trễ nhất định, nên sẽ phát huy vào năm sau. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu cũng phục hồi từ tháng 10 và 11-2023, cho thấy tín hiệu ban đầu của hồi phục kinh tế và là bước đệm cho năm 2024.
Về thị trường chứng khoán, lợi nhuận thị trường (EPS) năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Nếu so sánh với các thị trường mới nổi hay thị trường cận biên, thì câu chuyện VnIndex năm sau sẽ tăng trưởng rất tốt”, ông Phương nói tại toạ đàm “2024 – Đi lên từ chân sóng” diễn ra cách đây ít ngày.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng động lực tăng trưởng của thị trường 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước trong khoảng 15-20% trong năm 2024, dựa trên nền năm 2023 tăng trưởng thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần – mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Chuyên gia này cũng kỳ vọng sự xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới trong năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm và các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và EU vẫn tồn tại rủi ro.
“Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi”, ông Đức Anh đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, các chuyên gia này cũng lưu ý rủi ro từ tình hình địa – chính trị bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới. Ngoài ra, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 còn lớn và vẫn là dấu hỏi của thị trường, dù giai đoạn khó khăn nhất của thị trường trái phiếu đã đi qua.
Còn tại tại báo cáo triển vọng 2024, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.Về dài hạn, VCBS cho rằng Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).
Với cơ sở trên, đơn vị này chỉ số VnIndex có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm rong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.
VCBS dự báo giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000–17.000 tỉ đồng trên cả ba sàn cho trong năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên dự kiến giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830–850 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn.
FIDT cũng đưa ra 3 kịch bản với diễn biến chỉ số VnIndex năm 2024. Với kịch bản lạc quan, VnIndex có thể đạt 1.420 điểm nhờ yếu tố, gồm: kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ; kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn; Chính phủ và NHNN xử lý vấn đề pháp lý thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên; dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.
Ngược lại, VnIndex ước đạt 1.300 điểm với kịch bản cơ sở, dựa trên các yếu tố, gồm: kinh tế Việt Nam hồi phục tốt năm 2024; kinh tế Mỹ hạ cánh mềm; rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế và dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quí 2-2024.
Thậm chí, chỉ số này có thể xuống mức 1.150 điểm với kịch bản tiêu cực, dựa trên các yếu tố, gồm: kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng còn bấp bênh; kinh tế mỹ xảy ra suy thoái nhẹ; pháp lý bất động sản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa nhiều cải thiện; dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển.
“Kịch bản cơ sở có khả năng xảy ra cao nhất năm 2024 với 65%”, ông Huỳnh Hoàng Phương cho biết.