Điểm nhấn chính sách chứng khoán 2024: Bước đệm cho kỷ nguyên vươn mình
Khung pháp lý thị trường chứng khoán được điều chỉnh, sửa đổi nhằm tháo gỡ nhiều tồn tại cản bước sự vươn mình của thị trường. Bên cạnh đó, chính sách cũng cập nhật nhằm đảm bảo thị trường minh bạch và vận hành thông suốt.
Thông tư 68 gỡ các nút thắt nâng hạng thị trường
Ngày 18/9, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK). Đây được coi là thông tư cởi nhiều nút thắt cho tiến trình nâng hạng TTCK.
Thông tư mới quy định, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (non pre-funding).
Trường hợp NĐTNN là tổ chức không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho CTCK nơi NĐTNN là tổ chức đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh trên TTCK. Tới tháng 1/2028, các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải thực hiện công bố thông tin song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Đại diện các Ngân hàng Lưu ký, CTCK đánh giá Thông tư 68 là căn cứ pháp lý quan trọng, tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các NĐTNN tham gia vào TTCK Việt Nam và chia sẻ những phản hồi tích cực của các nhà đầu tư, khách hàng.
Từ các quy định này, NĐTNN có thể dễ dàng tiếp cận thông tin một cách bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước. NĐT tổ chức nước ngoài có thể đầu tư vào TTCK Việt Nam với các điều kiện thuận lợi, cởi mở hơn, với chi phí thấp hơn, giảm thiểu các rủi ro về tỷ giá, hoán đổi danh mục đầu tư...
Thông qua sửa đổi luật chứng khoán
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tổ chức tháng 11/2024 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán.
Luật Chứng khoán được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng.
Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; Hủy bỏ đợt chào bán.
Để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng thị trường, Luật cũng hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên TTCK Việt Nam.
Sau khi Luật sửa đổi được thông qua, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Việc sửa đổi nghị định được chia thành 3 nhóm chính sách: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, thống nhất trong hoạt động về chứng khoán và TTCK; Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc cho NĐTNN trên TTCK, đảm bảo an toàn cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK bền vững; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Ngừng giao dịch chứng khoán trực tuyến nếu không xác thực CCCD
Từ ngày 01/10/2024, CTCK chỉ cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến đối với tài khoản giao dịch chứng khoán có thông tin cá nhân trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
Việc cập nhập thông tin này được thực hiện theo Công văn chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 19/07/2024 về việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư.
Sau thời hạn kể trên, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử trên TTCK, các trường hợp không cập nhật chuẩn hóa thông tin sẽ không được giao dịch trực tuyến mà phải đến giao dịch chứng khoán trực tiếp tại Trụ sở/Chi nhánh/Phòng giao dịch của CTCK và thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khi nhà đầu tư giao dịch trực tiếp tại quầy.
Đồng thời, các CTCK cũng khuyến nghị nhà đầu tư sử dụng CCCD gắn chip hoặc Căn cước để mở tài khoản và từ chối mở tài khỏan/thay đổi thông tin đối với các trường hợp nhà đầu tư sử dụng giấy tờ không phải là CCCD.
Khác với xác thực sinh trắc học của ngân hàng, việc cập nhật khi giao dịch chứng khoán nhằm đồng bộ, khớp thông tin cá nhân giữa tài khoản và trên CCCD.
Trong năm 2023, UBCKNN, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được giao nhiệm vụ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Lấy ý kiến lùi thời hạn triển khai CCP
CCP là cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện. Trong đó, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua hoạt động thế vị trở thành một đối tác của giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ là đối tác còn lại của giao dịch.
Đầu năm 2024, UBCKNN đã lấy ý kiến đóng góp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trong đó, dự thảo đề nghị sửa đổi khoản 13 điều 310 nhằm nâng thời hạn tối đa bắt buộc triển khai thực hiện hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ 3 năm lên thành 5 năm.
Nghị định 155/2020 có hiệu lực từ 1/1/2021. Tại thời điểm đó, mô hình CCP chưa thể triển khai nên Nghị định đưa ra điều khoản chuyển tiếp, nêu rõ cách thức hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán sẽ tiếp tục được thực hiện theo Luật Chứng khoán cũ (Luật 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010), thời hạn tối đa trong 3 năm.
Thời hạn 3 năm này kết thúc vào ngày 1/1/2024. Tuy nhiên đến thời hạn, mô hình CCP vẫn chưa được triển khai.
HOSE chỉnh sửa quy tắc xây dựng rổ cổ phiếu VN Diamond
Ngày 30/08/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số các cổ phiếu Kim cương Việt Nam (VN Diamond Index) phiên bản 3.0 nhằm thay thế quy tắc phiên bản 2.1 được ban hành ngày 30/09/2022.
Quy tắc được sửa đổi theo hướng nâng cao mức thanh khoản của cổ phiếu, điều chỉnh quy định về hệ số P/E, thay đổi tiêu chí về giá trị vốn hóa còn lại mà nhà đầu tư ngoại có thể giao dịch, định nghĩa các rổ chỉ số như rổ cổ phiếu tạm tính, rổ cổ phiếu chờ loại ra…; điều chỉnh một số công thức tính các chỉ số.
Trong các ETF trên thị trường, hiện có 5 ETF đang sử dụng chỉ số VNDiamond làm tham chiếu bao gồm DCVFMVN Diamond, MAFM VNDiamond, BVFVN Diamond, KIM Growth Diamond và ABF VNDiamond với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 12.6 ngàn tỷ đồng tại thời điểm ngày 05/09/2024. Riêng quỹ DCVFMVN Diamond hiện có tổng giá trị tài sản khoảng 12.1 ngàn tỷ đồng.
Nghiên cứu các quy định thuế thu nhập cá nhân với hoạt động đầu tư chứng khoán
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới; trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh và hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù Luật Chứng khoán năm 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh (CKPS).
Trên thị trường phái sinh không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi/lỗ).
Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế TNCN đối với CKPS để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như đặc thù của hoạt động này, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế trong quá trình tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với CKPS (Anh, Pháp, Đức, Lucxembourg, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada, Thái Lan).
Về phần tính thuế TNCN khi mua bán chứng khoán, hiện hành, thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải nộp thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng. Quy định này đảm bảo sự đơn giản, minh bạch của chính sách, giảm chi phí tuân thủ cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Trong quá trình thực hiện, có ý kiến cho rằng, việc thu thuế 0.1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp. Cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế.
Đối với chuyển nhượng vốn thì các cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải nộp thuế với mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan. Theo đó, nếu cá nhân cố tình kê khai giá bán bằng với giá mua thì sẽ không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế.
Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua cũng như xu hướng, kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết nghiên cứu để quy định rõ thu nhập chịu thuế, tỷ lệ thu thuế (trên doanh thu chuyển nhượng từng lần) đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Việc điều chỉnh theo hướng này cũng sẽ đảm bảo tính thống nhất, tương thích với nội dung sửa đổi, bổ sung phương pháp thu thuế theo tỷ lệ phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.