“Giải cứu” cổ phiếu bất động sản: Chỉ mới cứu phần ngọn
Những khó khăn mà nhóm doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt vẫn còn nguyên đó. Việc cổ phiếu trong ngành bật tăng mạnh trở lại có thể do lực cầu bắt đáy của những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao.
Kể từ khi VN-Index tạo đáy tại 911.9 điểm (giá đóng cửa) trong phiên 15/11/2022, 85% cổ phiếu bất động sản đã tăng trưởng trở lại sau 11 phiên (tính đến 29/11/2022). Trong số đó, có gần 20% số cổ phiếu tăng trưởng trên 50%, thậm chí có 3 mã tăng trên 100%, một tỷ suất sinh lợi đáng mơ ước dành cho những nhà đầu tư đã bắt đáy.
Những cổ phiếu bất động sản tăng trên 50% kể từ khi
thị trường tạo đáy ngắn hạn
Nguồn: VietstockFinance |
Nhìn về mặc định giá trên thị trường, cuộc “giải cứu” nhóm cổ phiếu bất động sản manh nha xuất hiện khi nhiều cổ phiếu trong ngành đã giảm mạnh về dưới cả vùng đáy hình thành ngay đầu giai đoạn đại dịch COVID-19 xuất hiện.
VHM, DIG hay CEO là một trong những cổ phiếu phát tín hiệu bắt đáy sớm nhất. Nhưng để lại ấn tượng nhiều nhất trong những phiên gần đây là NVL khi phải qua 2 lần mới hấp thụ lượng hàng bán ra. Đầu tiên là phiên 22/11, NVL khớp kỷ lục gần 129 triệu cổ phiếu nhưng giá đóng cửa vẫn ở mức sàn và kéo dài 3 phiên liền sau đó.
Cho đến phiên 28/11, lượng bắt đáy hơn 105 triệu cp diễn ra mới chính thức đưa cổ phiếu NVL dứt chuỗi giảm sàn 17 phiên liên tiếp. 2 phiên gần nhất, NVL tăng kịch trần và bắt đầu mang lại lợi nhuận cho những ai đã bắt đáy lần 2.
NVL được giải cứu sau 17 phiên sàn
Nguồn: VietstockFinance |
Câu chuyện diễn ra tương tự ở cổ phiếu PDR, phải 2 lần giải cứu (phiên 22/11 và 28/11) thì cổ phiếu này mới chấm dứt chuỗi 17 phiên giảm sàn.
PDR được giải cứu sau 17 phiên sàn
Nguồn: VietstockFinance |
Tiếp nối hiệu ứng này, sau 13 phiên sàn, cổ phiếu HPX sáng ngày 30/11 được mua mạnh với kỷ lục hơn 165 triệu cổ phiếu (tương ứng hơn 52% vốn điều lệ) khớp lệnh.
HPX ghi nhận 52% vốn được sang tay trong phiên 30/11
Nguồn: VietstockFinance |
Ở HPX, Chủ tịch Đỗ Quý Hải nắm giữ hơn 40% vốn (tương đương gần 122 triệu cp), do đó cùng với hơn 52% được mua vào phiên 30/11, áp lực bán nếu có trên thị trường vào những phiên tới rõ ràng không còn nhiều. Đây cũng là cơ sở để HPX có thể còn tăng trần thêm nhiều phiên, ít nhất cho đến khi lượng khớp 162 triệu cp về tài khoản.
Chỉ mới cứu phần ngọn
Trên thị trường chứng khoán, đà tăng giá mạnh mẽ của một cổ phiếu thường xuất hiện từ yếu tố tích cực trong hoạt động kinh doanh. Nhưng điều này đặt trong bối cảnh nhóm ngành bất động sản hiện nay lại có vẻ không phù hợp.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu bất động sản diễn ra từ nhiều tháng qua và mạnh mẽ nhất kể từ đầu tháng 11 khi nhóm ngành này đối điện với muôn vàn khó khăn như sức mua mất hút, dòng tiền đóng băng trong lúc nhiều đơn vị phải xoay xở vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn. Chưa kể, áp lực bán được bồi thêm bởi việc các công ty chứng khoán đồng loạt bán giải chấp cổ phiếu của nhiều lãnh đạo công ty bất động sản.
Tất cả những khó khăn trên là một phần trong động thái sửa sai từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà nhiều đơn vị mắc phải. Thậm chí, kể cả những doanh nghiệp không sai cũng chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng domino, buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn trước áp lực rút vốn của trái chủ.
Biến cố được ví như “thiên nga đen” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào toàn diện để củng cố lại lòng tin cho nhà đầu tư, dù cũng đã có nhiều động thái từ phía cơ quan chức năng.
Hiện nay, trong ngắn hạn, để tạm thời có dòng tiền xoay xở, thực hiện các phương án xử lý trái phiếu, các doanh nghiệp đành phải chấp nhận bán rẻ tài sản mình đang có.
Chẳng hạn Nova đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVL khi cổ phiếu này mất 70% thị giá trong vòng 1 quý qua, cho thấy sự “chấp nhận thương đau”. Mục đích đợt chuyển nhượng này là bổ sung nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu.
Còn PDR sẽ chuyển nhượng gần 90% vốn điều lệ của Địa ốc Hòa Bình - chủ đầu tư dự án “Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến”. Việc chuyển nhượng này cũng để đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.
Tình thế ngặt nghèo đang dồn ép doanh nghiệp phải bán rẻ tài sản. Đây rõ ràng là nước đi không hề mong muốn nhưng bắt buộc phải thực hiện, bởi nó khả dĩ nhất vào lúc này.
Tựu trung lại, những khó khăn mà nhóm doanh nghiệp bất động sản đã và đang đối mặt vẫn còn nguyên đó. Việc giá cổ phiếu được “giải cứu” cũng chỉ là cứu phần ngọn, nhờ dòng tiền bắt đáy được kích hoạt chứ chưa thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Dù vậy, ở góc nhìn tích cực hơn, động thái chấp nhận bán tài sản giá rẻ giúp doanh nghiệp duy trì thanh khoản, có dòng vốn lưu thông, từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Và khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ cam kết với nhà đầu tư, hy vọng niềm tin sẽ được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng lẫn thị trường tài chính nói chung mới có thể tiếp tục phát triển.