Ngành ô tô quý 1: Thị trường chưa hết khó nhưng thời gian giảm phí trước bạ đã hết
Quý 1/2024, tổng doanh thu các doanh nghiệp ô tô niêm yết giảm 12% so với cùng kỳ, xuống mức thấp nhất 2 năm, nhưng một số đơn vị vẫn có lãi ròng tăng mạnh, chủ yếu nhờ giá vốn lùi sâu và bớt gánh nặng lãi vay.
Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, 7 doanh nghiệp ngành ô tô đang niêm yết trên sàn chứng khoán báo cáo quy mô doanh thu thu hẹp đáng kể, đạt 8 ngàn tỷ đồng, giảm 12%. Tuy nhiên, tổng lãi ròng lại cải thiện 6%, lên hơn 1.4 ngàn tỷ đồng dù có sự phân hóa; trong khi HAX, SVC tăng mạnh thì CTF, TMT lại lùi sâu.
Nguồn: VietstockFinance |
Theo thống kê, biên lãi gộp quý đầu năm 2024 của các doanh nghiệp đạt 8.6%, hơn hẳn so với mức 5.9% của quý liền trước và tốt nhất trong 6 quý trở lại.
Dù chưa thể bằng đỉnh 9.2% ở quý 2/2022 nhưng đây có thể xem là tín hiệu đáng mừng đối với ngành hàng không thiết yếu như ô tô ở giai đoạn khó của nền kinh tế, khi phải liên tục giảm giá bán làm biên lãi gộp đi lùi gần 2 năm qua.
Trong quý 1/2024, các doanh nghiệp ô tô đã dành tổng cộng 109 tỷ đồng trả lãi vay, giảm 30% so với 1 năm trước. Lãi suất thị trường liên tục điều chỉnh giảm là bệ đỡ cho kết quả cuối cùng bởi chi phí lãi vay chiếm khoảng từ 5% (HAX, HTL, SVC) đến hơn 50% (CTF, TMT) phần lợi nhuận sau khấu trừ giá vốn.
Diễn biến biên lãi gộp và lãi vay theo quý của một số doanh nghiệp ngành ô tô từ năm 2020 đến nay (Đvt: tỷ đồng) Nguồn: Người viết tổng hợp |
HAX, SVC thu lãi tăng bằng lần
Quý 1, doanh thu Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE: HAX) tăng 5%, đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng. Nhờ triển khai các chiến lược kinh doanh phù hợp trong thời kỳ kinh tế khó khăn, lãi gộp nhà phân phối xe Mercedes-Benz tăng 24%, đạt 95 tỷ đồng. Biên lãi gộp từ 7.7% lên 9.2%, gần cao nhất trong hơn thập niên bán xe sang và chỉ dưới mức 9.4% của quý 4/2021.
Gánh nặng lãi vay giảm đáng kể, ở mức 5.1 tỷ đồng so với gần 18 tỷ đồng trước đó đã giúp HAX lãi ròng 22 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Nhìn lại 1 năm qua, có thể thấy kết quả đang có xu hướng cải thiện sau mỗi quý, dù còn thấp.
Diễn biến lãi ròng, lãi vay và biên lãi gộp theo quý của HAX từ năm 2020 đến nay Nguồn: Người viết tổng hợp |
Trong bối cảnh khó khăn, rõ ràng các dòng xe sang không phải dễ bán. HAX hiện đang hạn chế mở rộng đại lý Mercedes-Benz và đặt cược nhiều hơn vào kinh doanh xe MG nhờ giá rẻ. Do đó, khả năng hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế 200 tỷ đồng năm nay được Chủ tịch HAX đánh giá “không phải là quá sức”.
Kỳ này, Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE: SVC) kiếm về gần 14 tỷ đồng lãi ròng, tăng 358%, dù doanh thu giảm 15%, xuống mức 4 ngàn tỷ đồng, nhờ khá nhiều yếu tố thuận lợi.
Tương tự HAX, biên lợi nhuận gộp của SVC cải thiện lên 8.2% so với mức 6.7% thời điểm 1 năm trước. Công ty con Tasco Auto chi 35 tỷ đồng lãi vay, giảm 25%, giúp lãi ròng dần phục hồi sau nhiều quý rơi xuống mức thấp.
Dù có lãi, SVC cho rằng thị trường xe quý đầu năm 2024 vẫn nhiều khó khăn, các đơn vị thành viên trong hệ thống phải tăng chi phí kinh doanh nhằm duy trì sản lượng, điều này khiến cổ đông không kiểm soát lỗ 5.4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 12 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc SVC dự báo sản lượng xe sẽ tiếp tục khan hiếm đến quý 3/2024; thị trường ô tô khả năng vẫn còn khó khăn trong ngắn hạn, nhưng sẽ hồi phục. Trong năm 2024, ông kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng 5-8%.
Diễn biến lãi ròng, lãi vay và biên lãi gộp theo quý của SVC từ năm 2020 đến nay Nguồn: Người viết tổng hợp |
Tăng lãi nhờ bên liên doanh, liên kết
So với cách đây 1 năm, doanh thu Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (UPCoM: VEA) đi lùi 11%, còn 900 tỷ đồng, nhưng động lực khiến lãi nhích nhẹ lên 1.4 ngàn tỷ đồng là nhờ các công ty liên doanh, liên kết mang về hơn 1.2 ngàn tỷ đồng, tăng 5%.
VEA chỉ dành 437 triệu đồng trả lãi vay quý vừa rồi, trong khi số trước đó gần 15 tỷ đồng, chưa kể biên lãi gộp quay trở lại mức cao 15%, góp phần không nhỏ tạo ra kết quả trên.
Diễn biến lãi ròng, biên lãi gộp và lãi từ liên doanh, liên kết của VEA từ năm 2020 đến nay Nguồn: Người viết tổng hợp |
Không ngoại lệ, Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HOSE: HTL) báo doanh thu giảm gần một nửa, còn gần 64 tỷ đồng; nhưng vẫn lãi 2.6 tỷ đồng, tăng 14%, nhờ doanh số xe chuyên dùng chiếm tỷ trọng cao hơn.
Cuối năm 2023, đơn vị lắp ráp xe tải Hino đã quyết định đóng cửa chi nhánh Bình Dương do hoạt động kém hiệu quả, dẫn tới lãi công ty con được cải thiện đáng kể.
Thoát lỗ nhờ bán bớt tài sản, tỷ lệ trả lãi vay báo động
Nếu không nhờ thoái bớt vốn tại New City Rent A Car, Easy Car, Dasonmotors và hạch toán 60 tỷ đồng thì có lẽ City Auto (HOSE: CTF) đã lỗ. Ngoài việc giảm doanh thu, biên lãi gộp CTF còn 4.7%, thu hẹp đáng kể so với tỷ lệ 6.1% ở quý 1/2023.
Loạt chi phí cũng tăng chóng mặt. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đội lên 30%, chủ yếu chi mạnh tay cho nhân viên; lãi vay tăng 20%, lên gần 42 tỷ đồng.
Điểm đáng nói là hãng kinh doanh xe Ford thời gian gần đây trả lãi vay rất cao, hiện đang chiếm hơn một nửa phần lợi nhuận sau khấu trừ giá vốn, có thể xem là một tỷ lệ “đáng báo động” và cũng là lý do làm giảm lãi 28%, còn 7.7 tỷ đồng.
Diễn biến lãi ròng, lãi vay và tỷ lệ lãi vay trên lãi gộp của CTF từ năm 2020 đến nay Nguồn: Người viết tổng hợp |
Cũng kinh doanh xe tải, nhưng tình hình quý 1 của Ô tô TMT (HOSE: TMT) kém khả quan hơn nhiều khi giảm đến 26% doanh thu, còn 516 tỷ đồng và mất gần hết lãi, ghi nhận chưa đầy 300 triệu đồng. Lãi vay cũng khiến TMT đau đầu khi chiếm gần một nửa lợi nhuận gộp. Tỷ lệ này dù chưa bằng cùng thời điểm năm ngoái, nhưng trong bối cảnh quy mô thu hẹp cũng đủ khiến Công ty “méo mặt”.
Theo lãnh đạo TMT, năm 2024 khả năng sẽ giảm bớt chi phí lãi vay nhờ chính sách bán hàng được đẩy mạnh, giảm dư nợ ngân hàng và các sản phẩm mới được trả chậm.
Kinh tế khó khăn vẫn là nguyên nhân chính trong câu chuyện đi lùi của TMT. Ngoài ra còn do cạnh tranh gay gắt về giá, lượng hàng tồn kho dự trữ của các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu phân phối là rất lớn.
Thất thu vì không còn giảm phí trước bạ
Chính sách giảm phí trước bạ đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức hết hiệu lực từ cuối năm 2023 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô thị trường trong quý đầu năm 2024. Bằng chứng là lượng xe được Thaco, TC Group phân phối sụt giảm rõ rệt.
Số liệu từ VAMA và TC Group cùng cho thấy thị trường tiêu thụ ở mức rất thấp trong quý đầu năm - chỉ gần 61 ngàn xe, giảm đến 20% so với cùng kỳ và đến 41% so với cách đây 2 năm.
Trước khi hết hạn giảm phí trước bạ, thị trường ghi nhận mức đỉnh mới với hơn 47 ngàn xe được bán ra trong tháng cuối năm và nhanh chóng mất hút từ đó. Đặc biệt, số xe bán ra trong tháng 2 tụt xuống đáy 2 năm, chỉ khoảng 12 ngàn chiếc, một phần do trải qua giai đoạn nghỉ lễ kéo dài.
Khi doanh số xe sản xuất nội địa giảm lại là thời cơ với xe nhập khẩu. Quý 1 vừa qua chứng kiến thị phần tăng đáng kể của Honda, từ 5.8% lên 10%. Lượng xe bán ra của hãng Nhật Bản trong tháng 3 vừa rồi đạt 2.8 ngàn chiếc, gấp đôi cùng kỳ, cả quý 1 tăng 40%.
Một số hãng cải thiện thị phần gồm Ford (từ 11.5% lên 13.2%), Visuco (Suzuki, từ 4.7% lên 6.6%) do các hãng lớn đi lùi. Như Toyota (từ 18% còn 12%), quý 1/2024 chỉ bán được 7.3 ngàn chiếc, bằng nửa cùng kỳ, trong khi năm 2022 bán ra được 18.6 ngàn xe.
Tương tự, xe Huyndai do TC Group phân phối mất 30%, còn hơn 10 ngàn chiếc, thị phần cũng “co lại” từ 19.5% xuống 16.6%. Thaco cũng không ngoại lệ khi giảm từ 27.3% còn 26.8%. Đợt này, công ty của tỷ phú Trần Bá Dương thất thu khi lượng xe tiêu thụ giảm mạnh 20%, còn khoảng 16.3 ngàn chiếc. Thaco Kia trong quý 1/2024 chỉ bán được 6.3 ngàn xe, giảm 27% so với cùng kỳ và giảm 63% so với quý 1/2022.
Diễn biến doanh số bán xe trên thị trường từ đầu năm 2022 đến nay (Đvt: ngàn chiếc) Nguồn: Người viết tổng hợp |
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo đó, cơ quan này đề nghị lùi thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế các tháng 6, 7, 8 và 9/2024 sang muộn nhất vào ngày 20/11/2024. Đây có thể xem là chiếc phao tốt nhất đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh như hiện nay, bởi thị trường chưa hết khó nhưng thời hạn giảm phí trước bạ đã hết.
Trước đó, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét ban hành quy định gia hạn một loạt các loại thuế, trong đó có thuế TTĐB và giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.