Nắng nóng gây hại đến những chi tiết nào trên ô tô?
Ánh nắng gay gắt và nhiệt độ cao có thể là tác nhân gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên xe ô tô, khiến chúng dễ hỏng hóc hoặc nhanh bị xuống cấp nếu không được chăm sóc.
Lốp xe dễ hỏng hóc, gây nguy hiểm
Theo các chuyên gia, lốp xe là bộ phận phải chịu áp lực rất lớn trong những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm. Lốp thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đường nắng nóng và chịu nhiệt ma sát lớn khi phanh.
Khi tiếp xúc với mặt đường trong thời tiết nắng nóng, áp suất lốp sẽ có hiện tượng tăng lên và nếu vượt quá mức cho phép dễ làm lốp phình hoặc bị nổ. Hiện tượng này thường xuất hiện trên lốp đã mòn nhiều hoặc hết hạn sử dụng. Sự tăng giảm áp suất không đều giữa các bánh xe có thể dẫn đến mất lực bám khi xe vào cua, gây ra tai nạn.
Thường xuyên kiểm tra lốp xe để đảm bảo an toàn. (Ảnh minh họa: Internet) |
Chưa kể thời tiết mưa/nắng thất thường, nhiệt độ thay đổi liên tục cũng khiến lốp nhanh bị lão hóa hơn so với các mùa khác trong năm. Nếu không phát hiện kịp thời lỗi hỏng ở lốp xe, người lái có thể gặp nguy hiểm.
Nhằm hạn chế tối đa những sự cố liên quan đến lốp trong thời tiết nắng nóng, bạn nên dành thời gian kiểm tra thường xuyên, đặc biệt trước chuyến đi dài để kịp thời phát hiện nguyên nhân không an toàn tiềm ẩn (lốp mòn, lốp quá căng, áp suất lốp giữa các bánh không đều) và có biện pháp thay thế phù hợp.
Táp lô
Bức xạ và sức nóng khủng khiếp trong xe vào những ngày hè có thể tích tụ và gây ra thiệt hại. Bảng điều khiển của xe thường xuyên phải tiếp xúc lâu với ánh nắng, kết hợp với nhiệt độ gia tăng khiến cho ký hiệu trên các nút điều khiển bị mờ đi. Ngoài ra, một số vật liệu sử dụng trên khu vực bảng điều khiển có thể gặp tình trạng nứt nẻ, hỏng hóc.
Sơn xe bị “tàn phá”
Sơn xe ô tô cũng có nguy cơ xuống cấp nhanh khi bị ánh sáng mặt trời thiêu đốt. Theo thời gian, màu sơn của hầu hết các xe sẽ bị phai và mất màu nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, các màu sơn tối, chẳng hạn như đen, đỏ hoặc xanh dương được chứng minh là dễ bị hư hại hơn khi thường xuyên bị nắng chiếu trực tiếp.
Sơn xe bị tàn phá nếu phơi mình dưới nắng mưa. (Ảnh minh họa: Internet) |
Ngoài ra, một số chi tiết ngoại thất khác bằng nhựa như: cản, chắn bùn, vỏ gương, giá đỡ hành lý,.. cũng dễ bị tổn thương khi thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.
Nội thất da
Nhiệt độ trong xe có thể cao tới 70 độ khi ô tô đỗ dưới trời nắng nóng một thời gian dài. Hậu quả là các chất liệu trong khoang nội thất, táp-lô, vô-lăng cũng có thể bị hư hỏng khi thường xuyên bị ánh nắng mùa hè chiếu vào, nhất là nội thất da.
Mặc dù các loại da sử dụng trong nội thất xe hơi đã được xử lý để có thể chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời. Nhưng theo thời gian sức nóng và ánh nắng thiêu đốt có thể khiến các ghế da bị khô cứng, xuống cấp.
Chất liệu nội thất có thể bị xuống cấp. (Ảnh minh họa: Internet) |
Cách dễ nhất để bảo vệ xe của bạn chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời là đảm bảo cho xe không phải phơi mình trong nắng nóng hàng giờ liền. Điều này có nghĩa là hãy đỗ xe trong bóng râm bất cứ khi nào có thể.
Nếu không thể đỗ xe trong bóng râm, bạn nên mua một bộ bạt che phủ, các tấm chắn bảo vệ kính hoặc bọc ghế xe. Sử dụng các tấm che kính nhất là kính trước để giữ cho nắng không chiếu thẳng vào taplo. Điều này cũng giữ cho chiếc xe mát hơn.
Thường xuyên rửa xe và vệ sinh nội thất để loại bỏ các chất bụi bẩn có thể tích tụ. Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng không để các chất lỏng trong xe để giảm nguy cơ xảy ra khi xe bị quá nhiệt, có thể gây cháy nổ.
Ắc quy
Nhiều người sử dụng cho rằng trục trặc ắc quy sẽ chỉ xảy ra trong mùa đông. Thực tế, sức nóng mùa hè còn tác động đến ắc quy nhiều hơn, đặc biệt khi nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 độ C.
Sự quá nhiệt và quá nạp là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ắc quy chết sớm. Nhiệt độ khiến chất lỏng bay hơi, thay đổi nồng độ dung dịch, phản ứng diễn ra nhanh và gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy. Vì vậy, cần theo dõi và bảo dưỡng thường xuyên thiết bị này, đặc biệt trong mùa nóng.
Thêm vào đó, hãy giữ nắp bình sạch sẽ vì bụi bẩn có thể trở thành chất dẫn làm cạn ắc quy.
Hoàng Nam