Cần tạo thuận lợi cho xe đạp công cộng
Sử dụng xe đạp công cộng vừa thú vị, giúp ích cho sức khỏe vừa dễ dàng tham quan các tuyến đường nhỏ, hẻm sâu mà xe buýt không thể đi vào
Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP HCM được khai trương cuối tháng 12-2021 với khoảng 500 chiếc ở 43 vị trí khu vực trung tâm thành phố. Giá cho thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Mục đích của dịch vụ này là thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân, góp phần giảm xe cá nhân.
An toàn, văn minh, hiện đại
Sau những ngày đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng ở TP HCM được nhiều người hào hứng sử dụng. Nhiều thành phố khác cũng mong muốn thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng như Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu… Đây là tín hiệu vui, không chỉ góp phần giải quyết giao thông mà còn hướng đến việc "sống xanh".
Nhiều thành phố trên thế giới nhờ phát triển mô hình xe đạp công cộng kết hợp đi bộ, xe buýt, metro đã góp phần giải quyết ùn tắc giao thông như Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha) và các thành phố ở Áo, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Lan… Các thành phố lớn gần nước ta có hệ thống giao thông phát triển và tổ chức mô hình xe đạp công cộng hiệu quả là Thượng Hải (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), xa hơn là Hàn Quốc và Nhật Bản… Đó là một hệ thống xe đạp công cộng an toàn, văn minh, hiện đại.
TP HCM là đô thị đang phát triển, khu vực trung tâm hiện có hàng ngàn ngõ ngách cùng với hẻm sâu mà phương tiện công cộng, xe buýt không thể vào được để kết nối giao thông và phủ rộng khắp nơi. Mặt khác, việc mở rộng, nâng cấp ngõ hẻm cho phương tiện công cộng và xe buýt lưu thông là điều khó thành hiện thực bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người dân, chi phí khá tốn kém do phải đền bù khi mà giá đất mỗi mét vuông ở khu vực trung tâm lên đến hàng trăm triệu đồng. Chưa kể, khi đó phải giải tỏa khối lượng lớn nhà cao tầng, trụ sở làm việc, vật kiến trúc và hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông, cấp thoát nước...
Xe đạp công cộng mới đưa vào sử dụng ở TP HCM có mẫu mã khá đẹp, màu sắc xanh dương bắt mắt. Thiết nghĩ, nếu có sự kết nối thuận lợi, an toàn hơn nữa thì xe đạp công cộng sẽ góp phần đáng kể thu hút hành khách sử dụng xe buýt và kết hợp đi bộ trong cự ly gần, lúc đó không chỉ phục vụ người tham quan du lịch mà còn đi làm hằng ngày.
Khi hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), mô hình xe đạp công cộng càng phát huy tác dụng và nhân rộng để kết nối xe buýt đường bộ, buýt đường thủy. Nhu cầu đi lại đa dạng sẽ được đáp ứng, vừa tiện lợi, giá rẻ vừa chủ động thời gian để người dân bỏ xe cá nhân chuyển qua sử dụng giao thông công cộng.
Cơ quan và đơn vị nhà nước cũng có thể hưởng ứng bằng cách bố trí sẵn xe đạp dành cho cán bộ, công chức, người lao động sử dụng khi có nhu cầu.
Nhiều người sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Về lâu dài, TP HCM nên nghiên cứu việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để bảo đảm an toàn. Trước mắt, có thể tận dụng đặc thù những tuyến đường phù hợp có làn nhỏ hai bên vỉa hè để ưu tiên dành cho xe đạp công cộng, như đường Trần Hưng Đạo kết nối phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ (quận 1)… Từ đây, hệ thống xe đạp công cộng sẽ kết nối với buýt đường thủy trên sông Sài Gòn…
Ngoài ra, nên lồng ghép, kết nối mô hình xe đạp công cộng với các điểm đến như chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện Trung tâm, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Thư viện điện tử S.Hub, Thư viện American Center, Thư viện Idecaf - Viện Trao đổi văn hóa Pháp… Cần quy hoạch, sắp xếp những di sản, công trình văn hóa, lịch sử đồ sộ này thành một thể thống nhất để cung cấp thông tin và dẫn dắt khách du lịch qua ứng dụng tải về smartphone cá nhân.
Tất nhiên, đi kèm với đó có nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng trái phép vỉa hè, cần cải tạo hoặc nâng cấp sao cho đủ rộng và bằng phẳng, trồng cây xanh tạo bóng mát, xây nhà vệ sinh công cộng, bố trí xe chuyên dụng tẩy rửa và hút bụi để giữ môi trường tự nhiên luôn được sạch sẽ.
Làm được như vậy vừa mở rộng không gian đi bộ vừa làm đẹp đường phố, kết nối giao thông, an toàn cho hành khách trước khi lên và sau khi xuống các phương tiện công cộng phải đi bộ hoặc xe đạp đến nơi làm việc, học tập, mua sắm… Đó là những cách làm thiết thực để người dân đi bộ, xe đạp kết hợp với giao thông công cộng cũng đồng nghĩa với việc hạn chế xe cá nhân, hướng đến "sống xanh" cho TP HCM.