A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời

Ngày 3/10, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 trên địa bàn Thành phố với chủ đề: "Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời".

Tuần lễ diễn ra từ ngày 1-7/10, với nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong xã hội, nâng cao nhận thức người dân về vai trò của phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.

Cụ thể, các đơn vị, sở ngành sẽ đẩy mạnh và đổi mới hoạt động tuyên truyền về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời; đa dạng hóa dịch vụ thư viện, đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương và đổi mới hoạt động thư viện trường học. Các phường, xã, thị trấn, quận, huyện phấn đấu xây dựng "Cộng đồng học tập"; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phấn đấu xây dựng "Đơn vị học tập".

Các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hình thức học tập linh hoạt, các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, phổ cập các kỹ năng số, sử dụng điện thoại thông minh. Trường học cũng hướng tới việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa để khuyến khích học sinh tìm đọc, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu; được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đều là mức độ cao nhất).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, kết quả này thể hiện nỗ lực vượt bậc của Thành phố trong bối cảnh có nhiều thách thức của một đô thị có quy mô dân số lớn. Không chỉ quy mô dân số lớn mà di dân tự do cũng nhiều, việc đạt và duy trì kết quả chuẩn phổ cập giáo dục, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời cũng là một thách thức với Thành phố. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hóa mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng còn thấp, như số lượng thư viện, tủ sách… còn ít so với quy mô dân số Thành phố. Hơn nữa, trong bối cảnh chung cả nước, so với các số nước trong khu vực và thế giới, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách rất thấp, trung bình mỗi người đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa. Trong khi các nước có tỷ lệ đọc sách trung bình từ 10-20 cuốn/người/năm.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, sự năng động, sáng tạo sẽ giúp Thành phố vượt qua những thách thức từ thực tế, tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy kêu gọi mỗi người dân chung tay góp sức xây dựng một Thành phố không ngừng học hỏi và phát triển. Trong đó, việc làm đầu tiên, quan trọng nhất chính là phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời. Mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng năng lực tự học thông qua văn hóa đọc./.

Thu Hoài


Tác giả: Lý Thu Hoài
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :