A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi

Trong cơn mưa lũ do bão Yagi, lực lượng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng khi gồng mình, căng sức, thức trắng nhiều ngày tham gia cứu hộ, cứu nạn

Siêu bão Yagi (bão số 4) đổ bộ vào miền Bắc nước ta hồi đầu tháng 9-2024 đã gây thiệt hại nặng về tài sản và nhân mạng. Trong cơn "đại hồng thủy", bên cạnh các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đội ngũ y tế cơ sở đã gồng sức, căng mình, thức trắng nhiều đêm để cứu người.

Có thâm niên 16 năm công tác trong nghề y, trong đó có 3 năm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai), y sĩ Sin Thị Tâm cho biết những ngày tham gia cứu hộ, cứu nạn người bị thương trong mưa lũ là "trận chiến" khốc liệt nhất mà chị trải qua.

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 1.

Y sĩ Sin Thị Tâm

Chạy đua với thời gian để cứu người

Trạm trưởng Sin Thị Tâm kể ngày 10-9, mây đen cuồn cuộn trên bầu trời Bắc Hà rồi trút mưa xối xả. Nước ở các khe suối ở thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, cuồn cuộn chảy xiết, dòng nước lớn mênh mông như một cơn "đại hồng thuỷ". 

Xung quanh đó, những vạt núi loang lổ, đất đá vỡ vụn nham nhở. Khoảng 12 giờ 30 phút, những khối đất kèm theo nước lũ từ trên núi ầm ầm đổ xuống vùi lấp hoàn toàn 8 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông ở xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc làm 14 người chết, 4 người mất tích và 11 người bị thương.

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 2.

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 3.

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 4.

Lực lượng cứu hộ băng rừng, lội suối, vượt qua nhiều con con đường trơn trượt để đưa người bị thương đến nơi sơ cứu

Ngay sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, y sĩ Sin Thị Tâm cùng với 8 cán bộ trong đoàn cứu hộ của xã nhanh chóng chuẩn bị mọi hành trang vào vùng lũ để cứu hộ. Cả đoàn đi bộ, luồn qua đường rừng, vượt qua nhiều điểm sạt lở với những viên đá hộc ngổn ngang; bên cạnh là dòng suối giờ như sông cuồn cuộn chảy. 

Trên những sườn núi, những mảng đất bị phạt một góc do sạt lở vẫn đang lăm le tiếp tục trượt. Sau gần 3 giờ đồng hồ đi bộ, đến 19 giờ 30 phút, cả đoàn mới tới nhà anh Lù Seo Pểnh - nơi được lựa chọn là điểm an toàn để lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân ra tạm trú và sơ cứu.

"Khi tới nơi, nhìn thấy những nạn nhân bị thương với bùn đất khắp người, khắp mặt và thậm chí cả vào mắt, trầy xước toàn thân, chúng tôi rất đau xót. Ban đầu, tôi cũng hơi hoảng vì đã thấm mệt nhưng chỉ sau vài phút, tôi tự vực dậy tinh thần, trấn an mình phải vượt qua cảm giác sợ hãi để gấp rút sơ cấp cứu cho các nạn nhân" - y sĩ Sin Thị Tâm nhớ lại.

Những người bị thương trong vụ sạt lở thường trong tình trạng nặng nên cần được khiêng bằng cáng vì phải di chuyển qua những con đường trơn trượt. Sau nhiều vất vả, đội cứu hộ cũng đưa các nạn nhân đến nơi an toàn và bắt đầu triển khai công tác cứu hộ.

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 5.

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 6.

Hàng chục người bị thương trong vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 7.

Y sĩ Sin Thị Tâm sơ cứu vết thương cho các nạn nhân dưới ánh đèn pin

Nữ chiến sĩ áo trắng và cuộc chiến "khốc liệt" với bão Yagi- Ảnh 8.

Ma Thị Xinh được khâu vết thương trên đầu trước khi chuyển lên tuyến trên

Hai ngày không ngủ

Trong căn nhà lánh nạn, gần 30 người nằm la liệt nghỉ ngơi để trấn an lại tinh thần sau khi thoát khỏi lưỡi hái của thần chết. Có những bệnh nhân trên người sây sát với chi chít vết thương bởi bị chìm trong bùn cùng với đất đá, có người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ 40-50 m... Y sĩ Tâm ân cần hỏi han tình trạng của từng người và tìm mọi cách để giúp họ cảm thấy thoải mái nhất.

Bé gái Ma Thị Xinh (gần 2 tuổi) bị bong hẳn 1 mảng da đầu. Sau khi sát khuẩn, bé được khâu vết thương rồi chờ lực lượng cứu hộ chuyển tiếp về tuyến trên. Trong khi băng bó vết thương cho ông Lý Seo Di (48 tuổi) thì lực lượng cứu hộ chuyển tới anh Ma Seo Vung (28 tuổi) trong tình trạng nặng với đa chấn thương toàn cơ thể… 

Đáng lo nhất là nạn nhân chị Tráng Thị Lai (SN 2000), mang thai 7 tháng, sau khi thoát cơn đại nạn, không còn thấy em bé máy. "Rất may sau đó tim thai em bé vẫn còn, sức khỏe thai phụ cũng ổn định, khi đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm" - y sĩ Sin Thị Tâm kể.

 

Suốt đêm đó, Y sĩ Sin Thị Tâm và đồng nghiệp gần như không ngơi tay, liên tục sơ cứu cho các nạn nhân. Trong đêm tối, ánh sáng của đèn điện không đủ sáng, mọi người cầm chiếc đèn pin soi để y sĩ Tâm lấy ven, khâu vết thương cũng như tiêm chính xác.

"Trong 2 ngày, tôi gần như không ngủ, bệnh nhân liên tục được chuyển về cần sơ cấp cứu khẩn cấp, công việc thì luôn tay. Có khi nước sát khuẩn không còn, địa hình thì giao thông chia cắt, số nước sát khuẩn mang theo và huy động ở nhà dân vẫn không đủ, tôi đành đun nước lá chè để sát khuẩn".

Nhờ được sơ cấp cứu kịp thời, tất cả các nạn nhân trong vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông đều được cứu sống và phục hồi sức khỏe.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thiệt mạng do bị lũ cuốn khi làm nhiệm vụ.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :