A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng qua đời

Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng, đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo nổi tiếng với mệnh danh "ông trùm chèo", vừa qua đời, thọ 97 tuổ

Ngày 19-7, Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực cho biết bố ông, NSND Trần Bảng, đã qua đời vào 6 giờ sáng nay 19-7.

Vài tuần trước NSND Trần Bảng bị ngã, phải vào viện phẫu thuật. Đạo diễn Trần Lực chia sẻ ca phẫu thuật thành công nhưng sau đó NSND Trần Bảng lại bị viêm phổi nặng và đã qua đời vì viêm phổi.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng qua đời - Ảnh 1.

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thăm hỏi và trò chuyện với NSND Trần Bảng. Ảnh: Ngô Nhung

NSND Trần Bảng sinh năm 1926 (Canh Dần) trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Ông nội là tuần phủ Trần Mỹ. Cha là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột là nhà văn Khái Hưng (tên thật là Trần Khánh Giư).

Là người ham học hỏi, năm 20 tuổi, NSND Trần Bảng đã thông thạo tiếng Pháp, ông còn được học sách Hán Nôm và học thêm nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức.

Ông là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo nổi tiếng với mệnh danh "ông trùm chèo" thời nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương. Nhờ sự khích lệ của nhà văn Hoài Thanh: "Chèo là một di sản văn hóa rất quý của dân tộc, cậu cứ làm đi, rồi tôi tin chắc là cậu sẽ mê loại hình nghệ thuật này", NSND Trần Bảng đã khám phá nghệ thuật chèo.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng qua đời - Ảnh 3.

NSND Trần Bảng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác của Chương trình "Mai vàng tri ân"

Ông khai thác, bảo tồn nhiều vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân, từ đó cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo kinh điển như: "Quan âm Thị Kính", "Xúy Vân" (từ vở "Kim Nham"), "Nàng Thiệt Thê" (từ vở "Chu Mãi Thần")… Chỉ riêng vở Quan Âm Thị Kính, ông đã ông dàn dựng tổng cộng 3 lần vào các năm 1956, 1968, 1985. Ngoài ra, ông còn dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như: "Lọ nước thần", "Tình rừng", "Cờ giải phóng", "Đường đi đôi ngả", "Máu chúng ta đã chảy"…

"Chị Trầm" là vở chèo đầu tiên ông dựng được Bác Hồ xem, khen, động viên, giúp ông đạt được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Còn "Quan Âm Thị Kính", vở chèo cổ đầu tiên ông phục dựng được nhận định là đã góp phần quan trọng trong việc nâng chiếu chèo sân đình lên sân khấu chuyên nghiệp.

NSND Trần Bảng còn viết nhiều sách nghiên cứu, giảng dạy từ khóa diễn viên chèo đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ông nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân nghệ thuật cho chèo…

Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật sân khấu, Bộ Văn hoá-Thông tin; Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa I (1957). Ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 2 năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 5 (2017).


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :