Ngăn ngừa biến tướng từ tín ngưỡng thờ Mẫu
Hội Di sản TP HCM kêu gọi ý thức trách nhiệm của các nghệ nhân tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại địa bàn thành phố, không mượn nghi lễ thờ Mẫu để trục lợi
Di sản thực hành tín ngưỡng
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam, được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016. Theo thống kê hiện nay ở nước ta có khoảng gần 10.000 cơ sở thờ Mẫu, 215 đền, phủ; 920 cung, điện thờ Mẫu và hơn 1.000 điện thờ tư gia. Riêng TP HCM có khoảng trên 20 đền, điện thờ Mẫu và hơn 200 cơ sở thờ mẫu tư gia.
Cách đây không lâu, Cung Văn hóa Lao động TP HCM đã ra mắt chương trình sân khấu "Sắc màu thời gian", vở kịch "Đền thiêng" do đạo diễn NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hữu Nghĩa dàn dựng trình diễn sau buổi nói chuyện chuyên đề về đạo Mẫu trong đời sống hôm nay của Nghệ nhân Ưu tú Thanh Nhàn.
Bên cạnh những mặt tích cực thì việc thực hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại TP HCM, một số địa điểm tổ chức thờ Mẫu vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, biến tướng sai lệch với bản chất của di sản. Nhiều tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản nhưng mang nặng tính thương mại.
Nghệ nhân Ưu tú Huy Dự tâm tư: "Không riêng gì TP HCM, nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện những biến tướng như tổ chức hầu đồng ở khu vực công cộng, không gian tâm linh; sử dụng nhiều vàng mã, tiền và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi".
"Việc cho phép đạo Mẫu biểu diễn tại các chợ, phòng trà, quán ăn… cần phải được xem lại, cần kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng Mẫu" - Nghệ nhân Ưu tú Hoài Anh nêu ý kiến.
Phát huy giá trị di sản
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng để chấn chỉnh những bất cập trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với di sản cho cán bộ làm văn hóa các cấp; hướng dẫn về cách thức quản lý nhà nước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. "Cần quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu, đồng thời có phạt thì phải có thưởng. Cần vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đề xuất.
Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, bày tỏ: "Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người về sức khỏe, bình an và thành đạt".
PGS-TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhìn nhận: "Ngoài tâm huyết của các nghệ nhân, cần xem xét cho phép thành lập hội, hiệp hội về tín ngưỡng thờ Mẫu để chuẩn hóa các hoạt động này, tạo sức mạnh liên kết của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản".
Nhà nước đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho 6 cá nhân; nghệ nhân ưu tú cho 79 người để tôn vinh những đóng góp của họ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tại TP HCM có 3 nghệ nhân ưu tú là: Thanh Nhàn, Hoài Anh, Huy Dự. Cả ba đều tham gia tích cực trong công tác truyền nghề, dìu dắt thế hệ trẻ thực hành nghi thức thờ Mẫu tại TP HCM, đưa các hoạt động đi vào nề nếp.