A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh đậu mùa khỉ lại gây lo ngại

Bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), với gần 27.000 ca nhiễm được xác định và khoảng 1.100 người đã thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, từ tháng 9 năm ngoái tới nay.

Càng đáng lo hơn khi dòng virus gây bệnh ở đất nước Trung Phi này đã được phát hiện ở nhiều quốc gia láng giềng, như Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda…, với khoảng 50 ca nhiễm.

Những thông tin trên được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông báo hôm 7-8. WHO cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp, bao gồm các chuyên gia quốc tế, để xác định xem đợt bùng phát này có phải là "Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây lo ngại quốc tế (PHEIC)" hay không. 

PHEIC là cảnh báo cao nhất mà WHO ban hành. Tuy nhiên, cuộc họp chưa được ấn định thời gian.

Bác sĩ khám bệnh đậu mùa khỉ cho một em bé ở trung tâm điều trị Munigi, tỉnh Bắc Kivu – Cộng hòa Dân chủ Congo hồi tháng 7-2024 Ảnh: REUTERS

Bác sĩ khám bệnh đậu mùa khỉ cho một em bé ở trung tâm điều trị Munigi, tỉnh Bắc Kivu – Cộng hòa Dân chủ Congo hồi tháng 7-2024 Ảnh: REUTERS

Đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua quan hệ tình dục, nhất là giữa nam giới với nhau. Kênh Al Jazeera đưa tin các trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi xác nhận đã phát hiện các ca đậu mùa khỉ ở 10 nước thuộc châu lục này trong năm nay, với số ca tăng 160% so với năm trước; còn số ca tử vong tăng 19%.

WHO từng ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào năm 2022 sau khi đậu mùa khỉ lây lan ra hơn 70 quốc gia. 

Thủ phạm ban đầu gây ra đợt bùng phát hiện nay là một dòng virus địa phương có tên Clade I, sau đó xuất hiện thêm biến thể mới là Clade Ib. Clade Ib dường như lây lan dễ hơn thông qua tiếp xúc gần, theo Reuters, bởi trong số ca bệnh có nhiều trẻ em - 70% số ca nhiễm và 85% ca tử vong ở DRC là trẻ em dưới 15 tuổi.

"Chúng tôi đã chi 1 triệu USD từ quỹ dự phòng của WHO để nâng cấp hỗ trợ và sẽ chi thêm trong những ngày tới" - ông Tedros khẳng định. 

Theo ông, WHO đã cho phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc-xin đậu mùa khỉ là Jynneos (của tập đoàn dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic) và LC16 (của công ty Nhật Bản KM Biologics).

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :