A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấn phẩm tri ân nhà văn Lê Lựu

Thư viện Quốc gia, Viện Nhân học Văn hóa phối hợp doanh nghiệp Liên minh Quốc gia vừa ra mắt tập sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" với gần 50 bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu viết về sự nghiệp văn chương, cuộc đời và số phận của nhà văn Lê Lựu

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938, tại thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông là tác giả tiểu thuyết nổi tiếng "Thời xa vắng", là một trong số nhà văn nổi bật của Việt Nam thế kỷ XX. Nhà văn Lê Lựu đã xuất bản hơn 40 đầu sách, với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Một số tác phẩm của ông đã được chuyển thể sang kịch bản phim như "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông"... được khán giả yêu thích. Ông qua đời ngày 9-11-2022. Sau gần một năm ngày mất, ấn phẩm này ra mắt như một lời tri ân những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học nước nhà.

Ấn phẩm tri ân nhà văn Lê Lựu - Ảnh 1.

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: TƯ LIỆU

Sinh thời, Lê Lựu trải qua hai nỗi đau, đó là sự cô đơn và bệnh tật. Những ngày trước khi qua đời cách đây 12 năm, ông phải trải qua cảnh "uống thuốc nhiều hơn ăn cơm" với nhiều căn bệnh như: đái tháo đường, tim mạch, gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… Giới sáng tác văn học nghệ thuật cho rằng ông là một điển hình về bản lĩnh vượt qua những nghịch cảnh của đời riêng, biến số phận thành văn chương và nhỏ máu vào từng con chữ.

Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn cho rằng tác phẩm "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 1980 của thế kỷ trước. Tư tưởng và thông điệp của "Thời xa vắng" đã không lạc hậu với bất kỳ thời đại nào, "Thời xa vắng" đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên là minh chứng sống động cho giá trị của tác phẩm.

Ấn phẩm tri ân nhà văn Lê Lựu - Ảnh 2.

Tập sách “Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận”. Ảnh: THƯ VIỆN QUỐC GIA

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, Lê Lựu là nhà văn cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên đã đến Mỹ để nói chuyện văn chương cùng những cựu binh Mỹ vào năm 1988. Giới chuyên môn vẫn còn nhớ vào thời điểm khi đất nước vừa mở cửa, ông cũng là người tiên phong thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân. "Có thể nói cuộc đời ông rất hay để có thể viết thành kịch bản phim hoặc đưa lên sân khấu" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu ý kiến.

NSƯT Lê Thiện cho rằng: "Cuộc đời của nhà văn Lê Lựu khái quát sự phấn đấu không ngừng, từ tác phẩm mới vừa ra mắt này, giới sáng tác nghệ thuật có thể dựa theo đó mà viết thành kịch bản, nhằm tri ân những cống hiến to lớn của ông".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bộc bạch: "Nhà văn Lê Lựu từng sống một cuộc đời nhưng tồn tại bên trong là những con người khác nhau: công dân, nhà văn, bệnh nhân và một người nổi tiếng. Tất cả vẫn luôn đau đáu, trăn trở bởi nhịp đập con tim đầy mẫn cảm với cuộc sống, để trong gần 60 năm cầm bút, với hơn 40 đầu sách để đời, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ, đóng góp cho nền văn chương nước nhà nhiều tác phẩm kinh điển làm rung động đời sống văn học Việt Nam".

Theo những người trong cuộc, “văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột. Ông sống và nghĩ như thế nào thì viết ra như thế. Bởi thế mà văn chương của ông khác biệt. Và chính sự khác biệt này đã lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp cho cuộc sống”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :