A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mai Vàng nhân ái" thăm hai họa sĩ Văn Tòng, Lê Văn Định

Sáng 27-10, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho hai họa sĩ Văn Tòng và Lê Văn Định.

Mai Vàng nhân ái thăm hai họa sĩ Văn Tòng, Lê Văn Định - Ảnh 1.

Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho họa sĩ Văn Tòng và họa sĩ Lê Văn Định (vì lý do công tác tại Long An không về kịp, họa sĩ Lê Văn Định đã nhờ tác giả Nguyễn Trung - Chánh Văn phòng Hội Sân khấu TP HCM nhận thay)

Tại Hội Sân khấu TP HCM, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao số tiền 5 triệu đồng/người đến hai họa sĩ thiết kế sân khấu đã từng có nhiều đóng góp to lớn cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại TP HCM và cả nước.

Do họa sĩ Lê Văn Định đang thực hiện cảnh trí chuẩn bị Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2022 tại Long An, nên tác giả Nguyễn Trung, Chánh văn phòng Hội Sân khấu TP HCM, nhân thay.

Họa sĩ Văn Tòng: "Vua mô hình mỹ thuật sân khấu"

Mai Vàng nhân ái thăm hai họa sĩ Văn Tòng, Lê Văn Định - Ảnh 2.

Nhà báo Thanh Hiệp - Tổng đạo diễn chương trình Lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 28 năm 2022 - trao tiền hỗ trợ chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho họa sĩ Văn Tòng

Họa sĩ Văn Tòng (sinh năm 1951) vui mừng trước sự quan tâm đến những họa sĩ, nhà thiết kế luôn âm thầm đứng sau thành công nghệ thuật của nhiều chương trình sân khấu. Ông cho biết cách đây 10 ngày, ông bị tai biến nhẹ, hiện được điều trị vật lý trị liệu. Ông nhắc ngay đến kỷ niệm khó quên với giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động, đó là ông đã thiết kế tượng Mai Vàng trang trí trên sân khấu trong các chương trình trao giải Mai Vàng tại Nhà hát TP.

Ông là nhà thiết kế tài hoa, đã tham gia thiết kế, dàn dựng và làm mô hình mỹ thuật cho sân khấu hơn 45 năm qua. Với những thành tựu đạt được, họa sĩ Văn Tòng được nhiều đạo diễn gọi là "vua mô hình mỹ thuật sân khấu", không chỉ bởi ông đạt được về lượng mà còn về chất với hàng trăm tác phẩm sân khấu có kích cỡ hoành tráng.

Ông kể say mê về quãng đời đến với thiết kế mô hình, nhớ nhất giai đoạn cuối tháng 4-2014. Khi đó, ông cùng lúc đảm nhiệm 3 sân khấu lớn tại Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Carnaval Hạ Long. Ông đã tạo được ấn tượng đẹp khi nhận được lời khen ngợi của giới chuyên môn và khán giả. Cũng như hàng năm tại đường hoa Nguyễn Huệ, ông chính là nhà thiết kế thực hiện các mô hình cung ứng theo ý đồ của Tổng đạo diễn.

Họa sĩ Văn Tòng cũng từng gây ấn tượng lớn về mô hình sân khấu là tại Sân vận động Thống Nhất trong Lễ bế mạc sự kiện "Sài Gòn 300 năm" năm 1998. Từ bước ngoặt này, mỗi khi sân khấu hoành tráng cần các mô hình mỹ thuật đặc biệt, giới làm sự kiện thường nghĩ đến ông.

Họa sĩ Văn Tòng cũng từng rất thành công với sân khấu "Hào khí 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai" năm 1998, "Sài Gòn – TP HCM bước vào năm 2000", "Festival Huế", "Festival Gốm sứ Việt Nam", "Festival Dừa Bến Tre", "1.000 năm Thăng Long", chương trình giao lưu "Thăng Long - Hồn thiêng sông núi" tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chương trình Đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của bộ môn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại TP HCM, Ngày Hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc …

Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ từng gây ấn tượng mạnh với hai tác phẩm cải lương đồ sộ là "Kim Vân Kiều" và "Chiếc áo Thiên Nga", với phần thiết kế sân khấu do Văn Tòng thực hiện.

Các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Hàn Thái Tú,… có những live show được xem là hoành tráng cũng nhờ phần lớn vào các hiệu ứng sân khấu do ông thiết kế.

Mai Vàng nhân ái thăm hai họa sĩ Văn Tòng, Lê Văn Định - Ảnh 3.

Họa sĩ Văn Tòng

Trước năm 1975, ở tuổi đôi mươi, Văn Tòng theo hai họa sĩ Nguyễn Quyền và Thiếu Linh học nghề thiết kế sân khấu trong 5 năm. Ngay sau 1975, khi các Đoàn Sài Gòn 1, 2, 3 được thành lập, họa sĩ Văn Tòng về làm thiết kế sân khấu cho 3 đoàn này. Sau đó ông về Đoàn kịch nói Bông Hồng, rồi làm cộng tác viên của Sở Văn hóa TP HCM, Nhà hát Trần Hữu Trang nhiều năm trước khi mở xưởng riêng.

Nhận được món quà bất ngờ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông đã bày tỏ niềm vui, cho biết sẽ tiếp tục đồng hành với con cháu trong gia đình và các nhà thiết kế trẻ để thực hiện nhiều mô hình sân khấu ý nghĩa cho các lễ hội tại TP HCM và cả nước.

"Nghề của tôi không về hưu, dù không còn sức khỏe thì đưa ra ý tưởng, góp ý trong thiết kế để con cháu thực hiện. Mỗi năm điểm lại thành quả đạt được tôi rất xúc động" – họa sĩ Văn Tòng bày tỏ. Ông cho biết thêm sẽ trao tặng số tiền 5 triệu đồng nhận được cho Ban ái hữu Nghệ sĩ Hội Sân khấu TP HCM nhằm chăm lo cho các nghệ sĩ có hoàn cảnh bệnh tật, ốm đau. Thông qua hành động này, ông muốn chia sẻ, lan tỏa tinh thần vì cộng đồng nghệ sĩ tại TP HCM.

Họa sĩ Lê Văn Định - người thầy của nhiều họa sĩ sân khấu

Họa sĩ Lê Văn Định sinh năm 1951 tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Ông đã thiết kế mỹ thuật cho hơn 300 vở diễn sân khấu trong hơn 40 năm làm nghề. Ông cũng dìu dắt, hướng dẫn nhiều họa sĩ trẻ đến với nghề thiết kế sân khấu, cung cấp cho sàn diễn cải lương, kịch nói, múa rối, xiếc...

Mai Vàng nhân ái thăm hai họa sĩ Văn Tòng, Lê Văn Định - Ảnh 4.

Họa sĩ Lê Văn Định (ảnh Thanh Hiệp)

Bàn tay họa sĩ của Lê Văn Định đã thả hồn vào các tác phẩm sân khấu như: "Tình yêu dành cho hai người", "Chuyện văn chương", "Biển cồn cào" (Đạo diễn: Trần Minh Ngọc), "Bí mật vườn Lệ Chi" (Đạo diễn: Thành Lộc), "Hạnh phúc trên đồi hoa máu" (Đạo diễn: Vũ Minh), "Tiếng chim vườn ngọc lan" (Đạo diễn: Minh Nguyệt), "Nguyệt hạ" (Đạo diễn: Khánh Hoàng), "Thần tượng thực" (Đạo diễn: Minh Hải), "Chuyện tình mùa thu" (Đạo diễn: Đức Thịnh), "Con cáo và chùm nho" (Đạo diễn: Nguyễn Văn Phúc), "Cái bếp lò" (Đạo diễn: Trần Văn Hưng)...

Lúc còn là sinh viên trường Mỹ thuật Sài Gòn, Lê Văn Định đã đi làm thuê tự nuôi sống bản thân. Ông cộng tác cho một nhà may áo dài, vẽ mẫu áo rất đẹp. Sau năm 1975, ông giảng dạy bộ môn thiết kế mỹ thuật tại trường Nghệ thuật sân khấu II, nay là ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Sau đó, ông giữ chức Trưởng khoa thiết kế Mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh và Hóa trang của trường.

Mai Vàng nhân ái thăm hai họa sĩ Văn Tòng, Lê Văn Định - Ảnh 5.

Họa sĩ Lê Văn Định

Nhắc đến sự kiện khó quên, họa sĩ Lê Văn Định đã thiết kế cho vở "Mẹ Đảm và bầy con" (năm 1980) với phong cách kịch của Bertolt Brecht. Đây được xem là tác phẩm đầu tiên mà sân khấu TP HCM dàn dựng và do Đăng Nhân đạo diễn. Khi ấy, họa sĩ Lê Văn Định đã dựng cả một sàn diễn hoành tráng với toàn giấy báo, một thể nghiệm độc đáo chưa từng có.

Dư âm chưa kịp lắng thì vài năm sau, ông thiết kế cho vở "Chàng Mara tội nghiệp" tạo dấu ấn tuyệt vời không kém. Cho đến thời điểm hiện nay, ông vẫn miệt mài sáng tác thiết kế mỹ thuật cho nhiều sân khấu và tham gia nhiều liên hoan, hội diễn.

Nhận được món quà của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông cho biết: "Tôi cảm kích hoạt động ý nghĩa mang tính nhân văn của Báo Người Lao Động. Điều này động viên tinh thần cho văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục lao động nghệ thuật và cống hiến. Xin cảm ơn tấm lòng đáng quý của chương trình "Mai Vàng nhân ái".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :