Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc giảm, thị trường chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi
Nửa đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, nhưng lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này giảm so với cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 489,37 nghìn tấn cao su, trị giá 717,9 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 67,35% về lượng và chiếm 64,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), chiếm 80,9% về lượng và chiếm 83,02% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su sang thị trường này, với 395,89 nghìn tấn, trị giá 596 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 2 là chủng loại Latex chiếm 12,88% về lượng và chiếm 10,21% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc, với 63,03 nghìn tấn, trị giá 73,28 triệu USD, tăng 39,8% về lượng và tăng 66,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng và trị giá xuất khẩu một số chủng loại cao su sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Cao su tái sinh, SVR CV60, SVR 5, SVR 20, RSS1… Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại như: SVR 3L, SVR 10, RSS3, SVR CV50 vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là SVR 20 tăng 19,3%; Latex tăng 18,9%; SVR CV60 tăng 15,5%; Cao su tái sinh tăng 14,7%; SVR 5 tăng 14%; SVR 10 tăng 13,4%...
Trong 10 ngày giữa tháng 7/2024, giá cao su tại thị trường châu Á biến động trái chiều khi giảm tại Nhật Bản, tăng tại Thượng Hải và Thái Lan. Thị trường châu Á chịu áp lực bởi số liệu kinh tế của Trung Quốc thấp hơn so với dự kiến.
Trong 10 ngày giữa tháng 7/2024, giá mủ chén và mủ nước tại các tỉnh, thành phố trên cả nước giảm so với 10 ngày trước đó. Tại các công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 345 - 390 đồng/TSC, giảm 3 - 5 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.
Trong đó, Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua ở mức 375 - 385 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2024. Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ở mức 369 - 378 đồng/TSC, giảm 3 - 5 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2024. Trong khi đó, Công ty Cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 345 - 390 đồng/TSC.
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Quốc gia này dẫn đầu toàn cầu trong việc phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng mới, bao gồm cả ô tô chạy bằng pin và xe hybrid (xe động cơ xăng - điện).
Thời gian tới, nhu cầu cao su của thị trường Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi EU đã áp mức thuế 37,6% đối với xe điện nhập khẩu từ nước này kể từ ngày 05/7/2024.
Giới chuyên gia dự báo thuế tạm thời cao hơn sẽ làm giảm 42% nhập khẩu xe điện của Trung Quốc và giá xe điện có thể tăng trung bình 0,3 - 0,9% tại EU. Xuất khẩu xe điện của Trung Quốc bị ảnh hưởng thì nhu cầu nhập khẩu cao su để sản xuất lốp xe của Trung Quốc cũng sẽ giảm tương ứng.
Thuế quan của EU đối với xe điện Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang châu Âu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, hiện Trung Quốc hiện chiếm 67,35% về lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu của thị trường này giảm sẽ tác động không nhỏ đến giá cao su và kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới.