A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc

Triển vọng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cho nhau

Đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt

Làm việc với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung Quốc-Việt Nam Nông Dung hôm 5/2/2024 diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam.

Cụ thể, trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển tốt đẹp và những thành quả mang tính lịch sử của quan hệ hai nước sau các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối tháng 10/2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 12/2023. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc hai bên phối hợp triển khai cụ thể hóa các Tuyên bố chung cấp cao, trên tinh thần quyết liệt, hiệu quả, thực chất, vì lợi ích của doanh nghiệp, địa phương và người dân.

Đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn làm việc với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Trung Quốc-Việt Nam Nông Dung. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung về một số phương hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực của cơ chế Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc, tích cực điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, triển khai tốt Thỏa thuận về làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong thời kỳ mới giữa hai Bộ Ngoại giao, tập trung vào một số trọng tâm: Phối hợp triển khai tốt các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp trong năm 2024; thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác thực chất.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam; phối hợp tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án hợp tác; thúc đẩy hợp tác du lịch bền vững; đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương; duy trì trao đổi, phối hợp trong các cơ chế, diễn đàn đa phương.

Trong buổi làm việc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung nhấn mạnh, chuyến công tác đến Việt Nam lần này là nhằm trao đổi sâu rộng, toàn diện giữa hai Bộ Ngoại giao về các biện pháp, phương hướng, nhiệm vụ triển khai quan hệ song phương theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai bên.

Báo cáo với về kết quả tốt đẹp của cuộc gặp giữa hai Tổng Thư ký Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ngày 4/2, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nông Dung khẳng định phía Trung Quốc mong muốn và sẵn sàng cùng với các cơ quan phía Việt Nam duy trì trao đổi, phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy trao đổi chiến lược cấp cao thông qua thu xếp tốt các chuyến thăm, tiếp xúc song phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên. Cùng đó, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao-quốc phòng-an ninh; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là kết nối chiến lược phát triển, hợp tác về hạ tầng giao thông, thuận lợi hóa thương mại; triển khai tốt các cơ chế, hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, hợp tác địa phương.

Về vấn đề trên biển, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đạt tiến triển thực chất.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.

Nhiều cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu

Năm 2023, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, song xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD). Đây là một trong số ít những thị trường quan trọng hàng đầu mà Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu.

Triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam

Triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn rất lớn. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng cho biết, trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Trong năm 2023 có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, 2 nhóm hàng lớn nhất đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 16,87 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13 tỷ USD. Nhóm nông sản đạt mức tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục sang thị trường này còn có rau quả, gạo. Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 917.000 tấn, trị giá 531,6 triệu USD, rau quả gần 3,6 tỷ USD...

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD, giảm hơn 7,3 tỷ USD so với năm 2022. Có 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 2 nhóm hàng đạt kim ngạch chục tỷ USD là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng của việc sụt giảm nhu cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc giảm sút, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam, trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.

Ngoài ra, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn 70% sản lượng cao su xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam.

Dù vậy, ông Tô Ngọc Sơn cho biết, hiện nay Trung Quốc đang điều chỉnh các chính sách nhập khẩu. Theo đó, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hiện Trung Quốc đang siết chặt quản lý nông lâm thủy sản nhập khẩu.

"Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Thị trường này đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy..." - ông Tô Ngọc Sơn thông tin và đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch.

Hiện, Trung Quốc đang xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản cho Việt Nam, trong đó có trái dừa tươi, rau quả đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi... Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu. Những động thái này tạo kỳ vọng lớn cho tăng trưởng xuất khẩu những nhóm hàng nông sản sang thị trường tỷ dân vốn nhiều năm chủ yếu xuất bán tiểu ngạch, nhiều rủi ro.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :