Nhập khẩu ô tô Đông Nam Á và đối trọng mới từ Trung Quốc
Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Đông Nam Á áp đảo phần còn lại trong 6 tháng đầu năm 2025, các loại xe Trung Quốc đang trở thành đối trọng.
Báo cáo mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, luỹ kế nửa đầu năm nay đã có 102.817 ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước, đạt tổng giá trị kim ngạch gần 2,233 tỷ USD, tăng 38,3% về lượng và tăng 44,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Xe nhập khẩu Đông Nam Á áp đảo
Đáng chú ý, các loại ô tô có xuất xứ từ khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Indonesia và Thái Lan, tiếp tục áp đảo hoàn toàn các xuất xứ khác, xét cả về số lượng lẫn giá trị kim ngạch.
Trong đó, lượng xe nhập khẩu từ Indonesia luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 39.111 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch hơn 554 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và tăng 15,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mitsubishi Xpander nhập khẩu từ Indonesia nằm trong nhóm ô tô bán chạy nhất thị trường - Ảnh: MMV
Ô tô nhập khẩu từ Thái Lan thậm chí còn chứng kiến cú bứt tốc rất mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm đã có 35.329 xe được nhập khẩu về nước từ Thái Lan, đạt giá trị kim ngạch trên 676 triệu USD, tăng hơn 48,8% về lượng và tăng 45,9% về giá trị.
Như vậy, luỹ kế nửa đầu năm nay, tổng lượng xe nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á đạt 74.440 chiếc, nhiều hơn đến 17.907 chiếc so với cùng kỳ (tương đương tăng gần 31,7%). Xét về giá trị kim ngạch, tổng số tiền Việt Nam chi ra để nhập khẩu ô tô Đông Nam Á trong 6 tháng đạt 1,230 tỷ USD, tăng 30,6%.
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước và vùng lãnh thổ 2 tháng gần đây | ||||
Xuất xứ | Tháng 5/2025 | Tháng 6/2025 | ||
Lượng (chiếc) | Giá trị (triệu USD) | Lượng (chiếc) | Giá trị (triệu USD) | |
Anh | 48 | 1,954 | 30 | 1,775 |
Đức | 157 | 10,262 | 33 | 1,911 |
Hàn Quốc | 90 | 4,918 | 46 | 2,169 |
Mỹ | 8 | 0,774 | 17 | 1,727 |
Indonesia | 8.698 | 126,102 | 6.498 | 91,649 |
Nga | 112 | 2,144 | 125 | 4,945 |
Nhật Bản | 613 | 39,443 | 296 | 20,364 |
Thái Lan | 4.774 | 83,134 | 6.503 | 127,768 |
Trung Quốc | 4.075 | 150,696 | 4.816 | 145,166 |
Nguồn: Cục Hải quan (Bộ Tài chính) |
Có thể thấy rõ, chỉ riêng ô tô nhập khẩu từ Đông Nam Á đã vượt khoảng cách đáng kể so với toàn bộ các xuất xứ còn lại.
Về số lượng, ô tô CBU từ Thái Lan và Indonesia chiếm đến 72,4% tổng lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Tỷ trọng về giá trị kim ngạch thấp hơn đôi chút. Cụ thể, giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Đông Nam Á luỹ kế 6 tháng chiếm 55,1%.
Mẫu xe Toyota Corolla Cross nhập khẩu Thái Lan đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng - Ảnh: TMV
Sở dĩ có sự chênh lệch về tỷ trọng giữa số lượng và giá trị kim ngạch là do tuyệt đại đa số ô tô nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan đều là xe phổ thông, giá trị thấp so với đa số xuất xứ khác.
Đối với ô tô nhập khẩu từ các xuất xứ còn lại, ngoại trừ đợt du nhập của các dòng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, hầu hết các loại xe khác đều có giá trị lớn. Trong đó có thể kể đến xe mang các thương hiệu siêu xe và xe hạng sang từ châu Âu, Nhật Bản, xe cỡ lớn đến từ Mỹ, hay xe tải và xe chuyên dụng đến từ Trung Quốc.
Đối trọng từ ô tô nhập khẩu Trung Quốc
Hiện nay, đối trọng duy nhất với ô tô nhập khẩu Đông Nam Á là các loại xe đến từ Trung Quốc.
Cũng theo thống kê của Cục Hải quan, lũy kế 6 tháng đầu năm nay đã có 22.944 ô tô CBU được nhập khẩu từ Trung Quốc, đạt tổng giá trị kim ngạch gần 747 triệu USD, tăng 56,3% về số lượng và tăng 64,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tính riêng giai đoạn nửa đầu năm, mặt hàng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc sở hữu tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất xét cả về lượng lẫn giá trị. Còn nếu xét riêng về giá trị kim ngạch theo xuất xứ riêng lẻ, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đang dẫn đầu toàn thị trường, tiếp theo là Thái Lan và Indonesia.
Các loại ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đang nỗ lực tìm chỗ đứng tại Việt Nam - Ảnh: ĐT
Kể từ năm 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Đông Nam Á theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) giảm về 0%, mặt hàng ô tô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia liên tục tăng trưởng cả về lượng lẫn giá trị kim ngạch.
Ở chiều ngược lại, trừ xe có xuất xứ từ khu vực châu Âu ít biến động, ô tô nhập khẩu từ một số thị trường truyền thống giai đoạn trước năm 2018 như Hàn Quốc, Nhật Bản đều sụt giảm rất mạnh.
Nhập khẩu ô tô theo xuất 6 tháng đầu năm 2025 và cùng kỳ 2024 | ||||
Xuất xứ | Cùng kỳ 2024 | Luỹ kế 2025 | ||
Lượng (chiếc) | Giá trị (triệu USD) | Lượng (chiếc) | Giá trị (triệu USD) | |
Anh | 81 | 12,136 | 193 | 13,871 |
Đức | 128 | 7,399 | 191 | 12,177 |
Hàn Quốc | 172 | 10,382 | 136 | 7,087 |
Mỹ | 430 | 14,364 | 175 | 7,851 |
Indonesia | 32.797 | 478,423 | 39.111 | 554,397 |
Nga | 140 | 8,210 | 276 | 14,769 |
Nhật Bản | 1.213 | 67,953 | 2.053 | 115,941 |
Thái Lan | 23.736 | 463,550 | 35.329 | 676,268 |
Trung Quốc | 14.676 | 454,545 | 22.944 | 746,894 |
Nguồn: Cục Hải quan (Bộ Tài chính) |
Bên cạnh sức ép của xe nhập khẩu Đông Nam Á nhờ lợi thế về thuế, đa số các thương hiệu ô tô của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đều có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại cả Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Riêng 2 thương hiệu ô tô Hàn Quốc là Hyundai và Kia, hầu hết xe bán ra thị trường hiện đều đang được lắp ráp trong nước bởi 2 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn là Thaco và Thành Công.
Một điểm đáng lưu tâm là đa số các thương hiệu ô tô nhập khẩu từ khu vực Đông Nam Á hiện cũng đều đang có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thông qua rất nhiều liên doanh thành lập từ cách đây gần 30 năm.