A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lô hàng tương ớt, chôm chôm, thanh long của Việt Nam bị tiêu hủy ở châu Âu

Dù số lượng cảnh báo rau quả Việt Nam xuất khẩu không nhiều nhưng có 3 trường hợp phải tiêu hủy, trong đó có tương ớt Chin-su tại Síp

Ngày 7-7, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến: "Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ".

Tại diễn đàn, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ NN-PTNT), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 9 mặt hàng thuộc nhóm rau quả bị thị trường nhập khẩu cảnh báo tại châu Âu (EU). 

Các cảnh báo tập trung vào vi phạm mức dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin… trong quá trình sơ chế, chế biến.

Lô hàng tương ớt, chôm chôm, thanh long của Việt Nam bị tiêu hủy ở châu Âu - Ảnh 1.

Thông tin chi tiết về 1 số mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam bị cảnh báo - Ảnh: Văn phòng SPS Việt Nam

Trong 9 trường hợp bị cảnh báo, có thanh long (1 trường hợp do vượt dư lượng, 1 trường hợp không đạt về cảm quan), chôm chôm, vải, ớt, riềng sấy, xoài sấy, điều và tương ớt. Tùy mối nguy bị cảnh báo mà các lô hàng sẽ bị xử lý tiêu hủy, thu hồi, tạm giữ hoặc chỉ thông báo cho cơ quan chức năng.

Trong số những trường hợp bị tiêu hủy, sản phẩm tương ớt Chin-su bị cảnh báo tại Cộng hòa Síp, do chứa chất cấm E 110 - Sunset Yellow FCF và E124 - Ponceau 4R/cochineal red A. Nhà xuất khẩu sản phẩm này là Công ty TNHH Thực phẩm Đa Ta (phường 15, quận Tân Bình, TP HCM).

Hai trường hợp bị tiêu hủy hàng còn lại là 1 lô chôm chôm xuất khẩu sang Hà Lan, thanh long xuất khẩu sang Pháp do vi phạm về chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật.

Tính trên diện rộng, từ tháng 1 đến tháng 6-2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh đối với nông sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của EU, trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77%) cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm của Việt Nam. 

Điều này cho thấy nông sản, thực phẩm từ Việt Nam đã dần đáp ứng tốt quy định của thị trường nhập khẩu, giảm thiểu trường hợp vi phạm (rủi ro luôn có trong hoạt động sản xuất - kinh doanh).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :