Đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cơ hội không dài, nỗi lo lỗ ngược
Các chuyên gia và doanh nghiệp gạo cho rằng, giá gạo toàn cầu tăng nhưng không kéo dài, trong khi lượng sản xuất gạo dự kiến dư thì cần thúc đẩy xuất khẩu ngay. Đây là thời điểm có lợi cho người nông dân và cả doanh nghiệp.
Giá gạo tăng, có doanh nghiệp... lỗ ngược
"Cơn sốt" giá gạo xuất hiện trên thị trường thế giới sau khi nhiều nước cấm xuất khẩu. Ông Nguyễn Lưu Tường, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP.HCM), chia sẻ thông tin: nhiều doanh nghiệp xuất khẩu do không lường trước biến động về giá nên đang chịu "lỗ ngược".
Nghĩa là, các doanh nghiệp này ký đơn hàng với đối tác nước ngoài từ khi giá gạo còn thấp, chưa biến động. Trong khi, phía doanh nghiệp lại chưa nắm chắc lượng gạo sẽ có trong kho để đáp ứng đơn hàng. Điều nay dẫn đến việc khi giá gạo lên, doanh nghiệp buộc phải đi mua gom trong dân với giá cao để đủ sản lượng đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Nếu doanh nghiệp mua thấp theo giá cũ thì người dân sẽ không bán. Do vậy, một số doanh nghiệp đang phải chịu lỗ, mua vào giá cao và xuất đi với giá thấp hơn (do đã ký hợp đồng trước đó).
Bản thân công ty của ông Tường, những ngày này thường xuyên nhận được điện thoại đặt hàng gạo từ đối tác nước ngoài, nhưng ông cũng xem xét rất kỹ. Có đủ lượng gạo ông mới nhận đơn.
Nguồn cung gạo trong nước đảm bảo an ninh lương thực. (Ảnh: Hoàng Hà). |
Ngoài ra, khi ký với đối tác quốc tế, ông Tường cho rằng, doanh nghiệp cần giao kèo "nước lên thuyền lên, nước xuống thuyền xuống". Nghĩa là, nếu biến động giá gạo tăng, giá thu mua trong dân tăng thì đối tác sẽ điều chỉnh giá mua hàng của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu giá xuống, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần hạ giá bán cho đối tác quốc tế; như vậy mới đảm bảo hài hoà lợi ích đôi bên.
"Doanh nghiệp cứ nhắm mắt ký đơn hàng xuất khẩu sớm, đến khi biến động giá thì kêu lỗ? Họ phải chấp nhận thực tế chứ không thể kêu Chính phủ hay Nhà nước hỗ trợ được", ông nói.
Nên đẩy mạnh xuất khẩu lúc này
Đề cập tới tờ trình mới đây của của Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Ông Đinh Quang Thành, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Lương thực Phương Nam (đại diện Gạo Ông Cua ST25 tại TP.HCM), cho rằng, khi lượng sản xuất gạo dự kiến dư thì nên thúc đẩy xuất khẩu. Đây là thời điểm có lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Theo thông tin ông nhận được, giá lúa tại miền Tây đang nhích tăng.
Giám đốc Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất nêu quan điểm, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu ngay lúc này. Khi dư địa xuất khẩu gạo tốt, người nông dân có thể sẽ được hưởng lợi.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2022, sản lượng lúa của Việt Nam đạt trên 42 triệu tấn, xuất khẩu được 7,13 triệu tấn gạo. Năm nay, cả nước dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu gạo có thể vượt kỷ lục năm 2022.
Theo ông Cường, diễn biến giá gạo thế giới tăng là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cần phải tận dụng để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sỹ Phan Minh Hòa, Giảng viên Kinh tế (Đại học RMIT) nhận định, về ngắn hạn, dự kiến giá gạo sẽ tiếp tục neo cao trong nửa cuối năm nay.
Bà Hòa dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân là 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 588 USD/tấn, đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011.
Đây là tin vui, cơ hội để Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, gia tăng cả về sản lượng lẫn giá trị gạo xuất khẩu, phát triển thương hiệu gạo, mở rộng thị trường.
Theo Thạc sỹ Hoà, việc dự báo thị trường rất quan trọng. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng phải đảm bảo có lượng gạo nhất định trong kho, tránh tình trạng ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp nhưng phải thu mua giá cao.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi, chỉ đạo kịp thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp để chuỗi cung ứng được thông suốt.
Trong dài hạn, bà Hòa cho rằng, do đặc thù lúa gạo có mùa vụ ngắn, chu kỳ tăng giá của gạo trên thế giới thường không kéo dài lâu. Trong nước, khi diện tích trồng lúa có xu hướng giảm, Việt Nam cần kiên trì nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thế giới.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nhận định, Việt Nam đang hưởng lợi trong ngắn hạn trước quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Cụ thể, vụ lúa hè thu năm nay, nông dân ở ĐBSCL phấn khởi khi giá phân bón đầu vào giảm so với vụ trước, giá đầu ra giữ ở mức cao, ổn định. Có thể nói, với vụ này, người nông dân đang có lợi nhuận tốt nhất từ trước tới nay.
Dẫu vậy, theo ông Khánh, cũng không nên lạc quan quá mức. Việt Nam không nên coi đây là cơ hội dài hạn, tăng sản xuất, tăng xuất khẩu.
Bởi, đây là hiện tượng ngắn hạn.
Khi thời tiết trở lại bình thường, các nước sẽ tăng cường sản xuất lúa gạo. Đặc biệt, khi Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, thị trường gạo sẽ quay trở lại quỹ đạo thông thường.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 588 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với phiên 31/7 và tăng 55 USD/tấn so với trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7. Gạo 25% tấm từ mức 513 USD/tấn phiên 19/7 cũng vọt lên 568 USD/tấn trong phiên giao dịch 1/8. Tương tự, giá gạo 5% và 25% tấm của Thái Lan tiếp đà tăng mạnh, lần lượt lên mức 623 USD/tấn và 564 USD/tấn. So với phiên 19/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 82 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng 62 USD/tấn. |