TPHCM: 100% cơ sở giáo dục triển khai, thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc"
TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai có quy mô bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" tại 100% cơ sở giáo dục.
Hội nghị sơ kết một năm xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” tại TPHCM. Ảnh: Lê Mạnh |
Sáng 29/11, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết một năm xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" tại TPHCM.
Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục
Báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, việc xây dựng, phát triển mô hình "Trường học hạnh phúc" nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Đồng thời, với mô hình này, học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thân thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên.
TPHCM hiện có 2.362 trường học, số lượng trường lớp liên tục được mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số và số người tạm trú.
Với mục đích xây dựng "Trường học hạnh phúc" dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên, trong năm học 2023-2024, 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc".
TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai có quy mô bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" tại 100% cơ sở giáo dục.
Chủ trương xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, được sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của các trường đại học, cao đẳng, học viện, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh.
Bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường với các hướng dẫn và các định hướng để từng đơn vị có thể căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị đề ra kế hoạch, mục tiêu, phương án thực hiện.
Đồng thời, việc đánh giá thường xuyên sẽ là cơ sở để lãnh đạo nhà trường có những biện pháp định hướng trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục chung trong nhà trường, tiếp tục phát triển "Trường học hạnh phúc" trong thời gian tới.
6 giải pháp trọng tâm
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở vừa ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ năm học 2024 - 2025 đến năm học 2025 - 2026.
Kế hoạch đặt ra một số mục tiêu quan trọng.
Theo đó, các trường học tiếp tục thực hiện công tác xây dựng "Trường học hạnh phúc" dựa trên nguyên lí trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, từ đó lan tỏa hạnh phúc đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Trường học xây dựng môi trường để học sinh cảm nhận được hạnh phúc.
Các em không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình.
Đồng thời, trường học cần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống...
Kế hoạch cũng nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng "Trường học hạnh phúc" không chỉ là nơi cung cấp và đáp ứng các nhu cầu giáo dục, mà phải là nơi tạo ra hạnh phúc góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc để nhà trường phát triển bền vững.
Theo ông Dương Trí Dũng, để hoàn thành các mục tiêu trên, Sở GD&ĐT TPHCM đặt ra 6 giải pháp.
“Các cơ sở giáo dục thực hiện thực chất, hiệu quả bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc. Nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc”, ông Dương Trí Dũng nêu.
Ngoài ra, kế hoạch thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” sẽ thực hiện tốt công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng Trường học hạnh phúc có hiệu quả.
Công tác tuyên dương, khen thưởng, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện sẽ được thực hiện thường xuyên.
Ngành Giáo dục thành phố sẽ tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, giao lưu; tôn vinh, biểu dương bằng các hình thức thích hợp các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện "Trường học hạnh phúc".
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thành phố sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn.
Trong đó, nhấn mạnh việc tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên và phụ huynh về tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình này, đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương, của ngành, có nhiều bài viết về quá trình, kết quả thực hiện, các mô hình hay về xây dựng "Trường học hạnh phúc".
TPHCM cần giữ vai trò tiên phong
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng đến ngành Giáo dục TPHCM với những thành quả khi thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc” sau một năm.
Theo Thứ trưởng, một đất nước có nền giáo dục hạnh phúc sẽ là nơi mỗi con người đều cảm thấy hạnh phúc, từ đó tạo ra sự gắn kết tốt đẹp trong xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của quốc gia.
Thứ trưởng đánh giá, trong một năm qua, TPHCM đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc”.
Kết quả của mô hình đã tạo nên những sự chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới học sinh, phụ huynh. Các trường học tại thành phố không chỉ là nơi truyền tải kiến thức và kỹ năng, mà từng bước trở thành “ngôi nhà thứ hai” thật sự hạnh phúc.
Thứ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục TPHCM tiếp tục phát huy vai trò đi đầu, hoàn thiện các tiêu chí, tổ chức thêm các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác về việc triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc".
"Bộ GD&ĐT cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để TPHCM và các địa phương khác triển khai mô hình 'Trường học hạnh phúc' một cách thành công và bền vững. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật những kinh nghiệm tiên tiến, xây dựng thêm nhiều giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả mô hình này", Thứ trưởng cho biết.