A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: Ngày 9/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg, thể hiện sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đúng và trúng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác lý lịch tư pháp với nhiều nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương.

Bám sát các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 24/8/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng thể của Bộ nhằm triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị với 8 nhóm nhiệm vụ khác nhau. Trên cơ sở đó, Bộ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp, đặc biệt là việc không yêu cầu người dân nộp/xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định của pháp luật; thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính có yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp để nghiên cứu, đề xuất cắt giảm; phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm thành công cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên - Huế...

Ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) nêu rõ, các nhiệm vụ triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg về cơ bản thực hiện đúng tiến độ tại Kế hoạch đề ra, trong đó có 10 nhiệm vụ đã hoàn thành; 5 nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên và 4 nhiệm vụ đang thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về Chỉ thị số 23/CT-TTg tại Bộ Tư pháp và các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật được quan tâm, chú trọng thực hiện đa dạng với nhiều hình thức. Công tác cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện mạnh mẽ với thủ tục và thành phần hồ sơ được đơn giản hóa tối đa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bốn, vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại một số Sở Tư pháp như Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Nghệ An... ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Đáng chú ý, số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân trong 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg vẫn chưa có xu hướng giảm. Việc tích hợp, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử và Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp tại một số địa phương chưa thông suốt, hiệu quả.

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp được các bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các tin, bài đăng tải trên các báo, cổng/trang thông tin điện tử, zalo, fanpage; biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp;… Trong đó, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam xây dựng, phát sóng bản tin có nội dung về việc triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đề xuất các bộ, ngành (đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong quá trình tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp và có biện pháp xử lý nghiêm minh nếu có hành vi vi phạm quy định này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hạn chế tình trạng lạm dụng Phiếu lý lịch tư pháp; tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; đẩy mạnh việc thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc.../.

Phan Phương


Tác giả: Phan Thu Phương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :