Thủ tướng: Cần ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành cần tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề; ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động
Sáng 1-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung vào vấn đề nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng đã được đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đầm ấm, sum vầy, đoàn kết, hiệu quả. Đây là sự cố gắng lớn của Đảng, nhà nước, người dân, trong đó có đóng góp lớn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Theo Thủ tướng, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan trọng, giúp hoạt động công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, NLĐ.
Nhấn mạnh cần chọn một số việc làm cụ thể, trọng tâm, thiết thực để hoàn thành dứt điểm, mang lại hiệu quả, Thủ tướng gợi ý công tác phối hợp cần tập trung vào vấn đề đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề của người lao động. Bên cạnh đó, đối với công nhân lao động, có an cư mới lạc nghiệp, vì vậy cần ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Cùng với đó, bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của NLĐ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng tin tưởng công tác phối hợp trong thời gian tới giữa hai bên sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động; góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chăm lo Tết với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với các hoạt động chủ yếu: Tổ chức thành công 22 Chương trình Chợ Tết Công đoàn; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ban, bộ, ngành đi thăm, chúc Tết và tặng gần 18.000 suất quà tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số tiền gần 23,7 tỉ đồng; chăm lo hỗ trợ cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng nguồn kinh phí trên 5.185 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu
Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị 10 nhóm vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách có tác động lớn đến công nhân, lao động. Cụ thể, Tổng Liên đoàn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất"; coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho công nhân lao động là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho người lao động tại các KCN-KCX; có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".
Muốn làm được, Công đoàn đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, gồm: Luật Nhà ở (Điều 49, Điều 53, Điều 57, Điều 62, Điều 80, Điều 81), Luật kinh doanh bất động sản (Điều 10), Luật đất đai (Điều 54), Luật đầu tư công (Điều 5), Luật quản lý tài sản công (Điều 106)… theo các kiến nghị cụ thể do Tổng Liên đoàn đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại hội nghị
Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH của NLĐ, có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của NLĐ.