A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Siết chặt kỷ luật, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, hành động về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là trong quản lý, sử dụng tài nguyên, ngân sách nhà nước và tài sản công; tăng cường công tác quản lý thuế, đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước…

Các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các đơn vị thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người; thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, đơn vị, địa phương để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Các đơn vị đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí. Các đơn vị tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý sử dụng đất đai; xử lý dứt điểm các tồn tại, kiên quyết không để xảy ra vi phạm mới, đặc biệt là các điểm “nóng” về môi trường; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là đối với các dự án lớn, công trình trọng điểm, công ích và công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Song song với đó, Thái Bình kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát theo quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Thời gian qua, hoạt động phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chống lãng phí của tỉnh Thái Bình có nhiều chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, thực chất, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí ngày càng được quan tâm. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng…/.

Vũ Quang


Tác giả: Vũ Quang Đán
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :