A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga rút quân khỏi Kazakhstan, Mỹ mừng ra mặt

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm 12-1 tuyên bố sứ mệnh gìn giữ hòa bình của liên minh quân sự CSTO do Nga dẫn đầu tại Kazakhstan đã hoàn thành.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ rút quân trong vòng 10 ngày và bắt đầu tiến trình này hôm 13-1.

Lực lượng hơn 2.000 quân nhân đã được cử đến để giúp lập lại trật tự sau khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát ở Kazakhstan.

Trong khi đó, người phát ngôn CSTO Vladimir Zainetdinov cho biết bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên của liên minh quân sự này sẽ nhóm họp trong ngày 13-1 để thảo luận về chiến dịch gìn giữ hòa bình tại Kazakhstan.

Nga rút quân khỏi Kazakhstan, Mỹ mừng ra mặt - Ảnh 1.

Tổng thống Tokayev đã đến thăm người bị thương ở TP Almaty hôm 12-1. Ảnh: EPA-EFE

Tổng thống Tokayev đã đến thăm TP Almaty hôm 12-1 lần đầu tiên kể từ khi các cuộc đụng độ xảy ra khiến hàng chục người thiệt mạng, đồng thời cam kết sẽ khôi phục thành phố giàu dầu mỏ và là trung tâm tài chính lớn nhất của Kazakhstan này. Kazakhstan cũng sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 3 khu vực của nước này từ ngày 13-1 là vùng phía Tây, vùng Pavlodar và phía Bắc.

Theo tuyên bố trên trang web của tổng thống, ông Tokayev cho biết: "Nhiệm vụ bây giờ là xây dựng lại thành phố trong thời gian ngắn nhất có thể. Tôi không hoài nghi gì về việc thành phố sẽ được khôi phục".

Theo hãng tin Reuters, một số dấu hiệu ở TP Almaty cho thấy cuộc sống bình thường đã trở lại hôm 12-1 khi nhiều người ra đường hơn tuần trước và hầu hết các nhà hàng và cửa hiệu đều mở cửa.

Ông Tokayev cho biết các lực lượng Nga và đồng minh đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định tình hình Kazakhstan. Ông nói thêm nhiệm vụ có thể được xem là rất thành công.

Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh thông báo của Tổng thống Kazakhstan rằng lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO do Nga dẫn đầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính và sẽ rút quân theo từng giai đoạn, tiến trình kéo dài không quá 10 ngày.

Ông Larry Napper, cựu đại sứ Mỹ tại Kazakhstan giai đoạn 2001-2004 và cựu giám đốc Văn phòng Các vấn đề Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng có nhiều lý do khiến Washington theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kazakhstan và nhiều lần lên tiếng về đợt triển khai quân của Nga trong đội hình CSTO đến quốc gia Trung Á này.

Kazakhstan có vị trí rất quan trọng về địa lý và địa chính trị. Mỹ có lợi ích rõ ràng với hoạt động chống khủng bố trong khu vực kể từ khi Taliban lên nắm quyền hồi năm ngoái. Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD vào ngành năng lượng Kazakhstan, các tập đoàn lớn như Chevron và ExxonMobil đều xuất hiện ở những mỏ dầu khí lớn của nước này. Kazakhstan cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng, trong đó có uranium.

Theo Ủy ban Hàng không Dân dụng Kazakhstan, sân bay Almaty đã đóng cửa từ tuần trước sau khi bị lục soát và sẽ nối lại các chuyến bay trong nước và quốc tế. Hiện chưa rõ thương vong sau bất ổn nhưng hàng trăm người bị thương và cảnh sát đã bắt giữ hơn 10.000 người.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :