A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc phục hạn chế, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các sở, ban, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp để nâng cao thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Cụ thể, tỉnh yêu cầu xác định vai trò người đứng đầu chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính; xác định rõ việc cải thiện và nâng cao các chỉ số trên là nhiệm vụ và trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đồng thời là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, Thái Bình chỉ đạo Sở Nội vụ và các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, kiện toàn bộ máy của các cơ quan, đơn vị và tổ chức, tránh trùng lắp, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra công vụ và công tác tuyển dụng, công tác cán bộ đối với công chức, viên chức tại các cơ quan, địa phương. Đặc biệt, tỉnh tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục ngay việc thực hiện chưa đúng quy định về công khai thủ tục hành chính và các quy định có liên quan tại Bộ phận Một cửa các cấp; giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị về các quy định thủ tục hành chính, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Đồng thời, các đơn vị rà soát các lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao, các hồ sơ có tính chất liên thông nhưng "thường xuyên trễ hẹn" để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm; không để tình trạng hồ sơ quá hạn do nguyên nhân chủ quan của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết hồ sơ. Ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị địa phương; kịp thời chấn chính, xử lý những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản công…

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đầu tư, nâng cấp Trung tâm dữ liệu của tỉnh phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; kiểm tra, rà soát thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Sở mở rộng các hình thức, giải pháp công nghệ thông minh để hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, không để xảy ra tình trạng chậm, gián đoạn đường truyền…

Thái Bình phấn đấu năm 2024, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong tỉnh đạt trên 90%, đến năm 2025 đạt trên 95%.

Năm 2023, tỉnh đạt điểm các chỉ số và thứ hạng: Chỉ số cải cách hành chính đạt 86,49/100 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 85,80%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Quản trị hành chính công cấp tỉnh đạt 43,6/80 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố.../.

Vũ Quang


Tác giả: Vũ Quang Đán
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :