Giá điện châu Âu lại xuống mức âm
Giá điện châu Âu lại giảm xuống mức âm khi sản lượng điện từ các trang trại mặt trời tăng mạnh vào đầu giờ chiều.
Hiện tượng giá điện âm dần dần phổ biến hơn khi châu Âu đẩy mạnh xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời để giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.
Giá điện trong ngày tại Đức - thị trường điện lớn nhất châu Âu - chuyển sang âm trong khoảng thời gian 13h-15h trong ngày 04/07, theo dữ liệu từ Epex Spot SE.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất điện ở châu Âu đôi khi rất khó điều tiết, đặc biệt là khi Chính phủ các nước khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Kết quả là đôi khi có quá nhiều điện trên thị trường và việc các nhà máy điện trả thêm tiền cho người tiêu dùng để sử dụng điện sẽ có chi phí thấp hơn so với việc ngừng sản xuất trong 1 hoặc 2 giờ.
Bên cạnh đó, một phần sản lượng điện tái tạo - như điện mặt trời áp mái tại Hà Lan - vẫn được trả tiền bất chấp giá thị trường. Những yếu tố này đẩy giá điện xuống dưới mức 0.
Ngày thứ Bảy và Chủ nhật nhiều khả năng có giá điện âm hơn, vì nhu cầu khi đó thấp hơn. Còn nếu hiện tượng giá điện âm xảy ra vào giữa tuần, đó là điều bất thường.
Theo Bloomberg, Đức, Đan Mạch và Hà Lan có thể ghi nhận giá điện âm vào ngày mai.
Nếu không có sự dịch chuyển đáng kể về nhu cầu, tình trạng giá điện âm sẽ chỉ trở nên phổ biến hơn. Theo một nghiên cứu của HSBC Holdings, đến cuối năm 2023, các tấm pin mặt trời mới với tổng công suất lên tới 60 GW sẽ được lắp đặt ở châu Âu, cao hơn 1/3 so với mức kỷ lục năm 2022.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) tính rằng việc chuyển đổi từ dầu khí của Nga sang năng lượng xanh sẽ đòi hỏi EU đầu tư bổ sung hàng năm 700 tỷ Euro. EC dự kiến sẽ trang trải hầu hết các chi phí này từ các nguồn tư nhân, song cũng có phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.