Điều gì khiến BRICS ngừng mở rộng?
Trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và nền kinh tế thế giới nói riêng đang thay đổi sâu sắc, vai trò của BRICS ngày càng được cộng đồng quốc tế đề cao.
Thách thức trong nỗ lực mở rộng BRICS
Theo bài viết đăng trên trang Modern Policy mới đây, Nga đã đình chỉ việc mở rộng BRICS ngay trước hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 với chủ đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển công bằng và an ninh trên toàn cầu”. Nhiều quốc gia có lợi ích liên quan dự kiến sẽ tập hợp tại Kazan, Nga và cũng là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng (BRICS+) năm 2024.
Là hiệp hội không chính thức bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, BRICS đã bất ngờ quay lưng với lời kêu gọi đã trở thành biểu tượng về việc mở rộng nhóm dưới sự dẫn dắt của Nga. Nhóm này đã kết nạp 5 thành viên mới: Ethiopia, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, qua đó, biến BRICS thành một hiệp hội hùng mạnh thách thức trật tự và quyền bá chủ dựa trên quy tắc của Mỹ và châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi năm 2023. Ảnh: TASS |
Ngoài ra, BRICS đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo sự kết nối công bằng hơn giữa các quốc gia và tranh thủ sự tham gia tích cực của họ trong việc tái thiết cấu trúc kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng đơn cực hiện nay. Để hiện thực hóa điều này, BRICS đã đưa ra khái niệm “phi USD hóa” và thuật ngữ “đa cực” trước sự ngưỡng mộ của đa số các nước đang phát triển ở Nam bán cầu. Một động lực được đánh giá cao cho quá trình này là việc nền tảng BRICS được tạo ra nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung rộng lớn hơn, tham gia vào các cải cách bền vững và vạch ra những định hướng chính trị và kinh tế - xã hội tốt hơn.
Dưới sự dẫn dắt của Nga trong năm 2024, BRICS được định hướng dựa trên 3 nguyên tắc chính sách đặc biệt: chuyển dịch theo hướng củng cố cấu trúc kinh tế mới, tôn trọng quyền bình đẳng và bảo vệ chủ quyền, cũng như duy trì sự tham gia công bằng hơn trong quan hệ quốc tế.
Theo thông lệ điển hình và khi cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng mở rộng, cách tiếp cận của BRICS tập trung vào các phương thức hạn chế lợi ích chiến lược bao trùm của Mỹ và châu Âu trên toàn thế giới. Hơn nữa, các cuộc tranh luận mang tính học thuật đã củng cố lại thực tế cơ bản rằng BRICS đang biến thành một lực lượng thống nhất để đối trọng với các tổ chức kinh tế do phương Tây lãnh đạo như G7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Rất lâu trước khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS từ tháng 1/2024, Nga đã tăng cường chính sách hàng đầu của BRICS nhằm mở rộng về số lượng. Nhiều báo cáo chỉ ra, có hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới (chủ yếu ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi) đã sẵn sàng gia nhập, với mục tiêu cuối cùng là trở thành thành viên chính thức.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tổ chức tại Nam Phi dưới thời Tổng thống Cyril Ramaphosa, một số quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập tổ chức này, nhưng cuối cùng chỉ có 5 quốc gia tham gia.
Từ ý tưởng tới hiện thực - định vị vai trò của BRICS
Các cuộc thảo luận về việc mở rộng và tiếp nhận thành viên mới đã diễn ra trong vài năm qua. Cho đến nay, chưa có quy trình đăng ký chính thức nào để gia nhập BRICS, nhưng bất kỳ chính phủ nào muốn tham gia đều phải nhận được sự ủng hộ nhất trí và lời mời chính thức từ các thành viên BRICS.
Trong lịch sử, kể từ năm 2017, Trung Quốc đã kiên quyết thúc đẩy định dạng BRICS+ để thu hút một số lượng lớn các quốc gia chưa tham gia hiệp hội. Phạm vi hoạt động của BRICS quả thực đã mở rộng để bao trùm cả các vấn đề liên quan đến giáo dục và văn hóa, y tế và mức sống, khoa học và công nghệ, tài chính và chính trị. Tất nhiên, hiện nay nhiều nước đang phát triển đánh giá cao việc xây dựng quan hệ đối tác với BRICS.
Việc ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ sự mong muốn gia nhập BRICS cho thấy tầm quan trọng của khối này trên trường quốc tế. Ảnh: Pixabay |
Mới đây, Ngoại trưởng Lavrov đã thông báo về việc “đình chỉ” quy trình tiếp nhận thành viên mới cho BRICS. Truyền thông trong và ngoài nước đưa tin về tuyên bố của ông Lavrov: “Các thành viên BRICS quyết định ‘tạm dừng’ kết nạp thành viên mới để ‘tiếp nhận’ hoàn toàn 5 thành viên vừa gia nhập. Đồng thời, chúng tôi đang phân loại các quốc gia đối tác như là giai đoạn đầu trước khi kết nạp thành viên chính thức”.
Theo giới chuyên gia, động thái này có thể đóng vai trò là bước đệm để tiến tới kết nạp thành viên chính thức. Tuy nhiên, Nga sẽ thúc đẩy “các quốc gia có cùng chí hướng”.
Tuyên bố Johannesburg chỉ ra, các nước BRICS đã giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng Ngoại giao tiếp tục phát triển mô hình quốc gia đối tác BRICS - một danh sách các quốc gia đối tác tiềm năng và chia sẻ báo cáo trước khi Hội nghị thượng đỉnh Kazan diễn ra.
Trong một thông cáo báo chí vào tháng 6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS đã ghi nhận triển vọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trong BRICS, bao gồm việc thiết lập loại hình “quốc gia đối tác” mới và ngừng kết nạp thành viên mới từ khu vực Nam bán cầu và Đông bán cầu.
Theo các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg năm 2023, các bộ trưởng đã đánh giá nỗ lực điều phối các phương thức phân loại quốc gia đối tác của BRICS.
Việc ngừng tiếp nhận thành viên không có nghĩa là BRICS đang tự cô lập mình với phương Tây. Hiện nay, trong khuôn khổ BRICS và các hiệp hội khác, nhiều tiến trình đang được tiến hành để bảo vệ phần còn lại của thế giới trước sự thái quá và hung hăng của các cường quốc phương Tây vốn thống trị thị trường quốc tế. BRICS sẵn sàng hội nhập theo nguyên tắc đa cực. Nói cách khác, BRICS không tách mình ra khỏi thế giới. Ngược lại, khối này đã phát triển thành một nhóm các quốc gia quan tâm đến công lý trên trường quốc tế.
Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã nêu lên một số điểm nổi bật tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg và trong thông điệp của ông gửi tới các Bộ trưởng Ngoại giao BRICS ở Kazan. Trong đó, Trung Quốc chiếm một vị trí nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu; các quốc gia Nam Á và châu Phi đang ngày càng trở nên đáng chú ý vì họ cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của giới chuyên gia, các quốc gia này sẽ định hình bối cảnh kinh tế toàn cầu vào giữa thế kỷ này.
Ông Putin cũng đề cập thêm đến các công cụ như việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thanh toán ngoại thương và các bước hướng tới nâng cao tính an toàn và hiệu quả của hoạt động kinh doanh. BRICS đang nỗ lực thiết lập một hệ thống thanh toán độc lập không chịu sức ép chính trị, sự lạm dụng, can thiệp và trừng phạt từ bên ngoài.
Sự gia nhập của Saudi Arabia, Iran, UAE, Ai Cập và Ethiopia đưa tỷ trọng của BRICS tăng lên 36% GDP toàn cầu và 46% dân số thế giới. Điều đó nói lên rằng BRICS có tiềm năng to lớn để thu hút các thành viên mới, nhưng tương đối phụ thuộc vào các đối tác để phát triển quan hệ với các quốc gia ở các châu lục khác nhau.
Trong bối cảnh đó, theo kỳ vọng của Tổng thống Putin, BRICS sẽ tiếp tục phát triển quan hệ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tài chính mà còn trong hợp tác an ninh, nhân đạo, văn hóa và các lĩnh vực khác. Xét đến những thách thức toàn cầu và xu hướng khách quan, BRICS sẽ hành động dựa trên năng lực ngày càng tăng của các nền kinh tế khác.
Để quyết định trong giai đoạn đầu tiên về việc có nên mở rộng hay không, BRICS phải giải quyết các bất ổn nội bộ và ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra. BRICS cũng nên xem xét nghiêm túc tầm quan trọng của việc đánh giá và phát triển các công cụ cơ bản của mình, thay vì đưa ra bất kỳ quyết định vội vàng nào. BRICS đang hướng tới khu vực Nam bán cầu - các nước đang phát triển có sự chênh lệch rõ rệt nhưng lại chiếm 40% GDP thế giới và 80% dân số thế giới.