Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 33 sân bay
Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành; nghiên cứu, đầu tư cảng hàng không mới đáp ứng hơn 275 triệu hành khách…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thêm sân bay quốc nội cho Hà Nội
Chính phủ cho rằng ngành hàng không và kết cấu hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới. Do đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư một số cảng hàng không quan trọng, đóng vai trò đầu mối; huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không…
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Hà Nội và TP HCM. Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại các trung tâm kinh tế vùng, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
19 cảng hàng không quốc nội theo quy hoạch gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam thủ đô Hà Nội. Như vậy, sân bay thứ 2 của Hà Nội là sân bay quốc nội chứ không phải sân bay quốc tế như đề xuất. Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết thành phố chấp hành quyết định của Chính phủ.
Sân bay Đà Nẵng là một trong những sân bay sẽ được đầu tư mở rộng với tổng vốn lên tới 31.000 tỉ đồng Ảnh: HẢI ĐỊNH
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai có quy mô phù hợp, nâng tổng công suất sân bay toàn thủ đô đạt 130-150 triệu hành khách/năm đến năm 2050 để đáp ứng dự báo, nhu cầu vận tải hàng không của Hà Nội và vùng thủ đô.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, vùng thủ đô có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21-23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314 km2, cơ bản tương đồng với vùng TP HCM (dân số 24-25 triệu người, diện tích khoảng 30.400 km2). Trong khi đó, quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc - Bộ GTVT đang trình Thủ tướng - đã định hướng quy hoạch 2 sân bay quốc tế cho vùng TP HCM là Tân Sơn Nhất và Long Thành, với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm. Từ căn cứ đó, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng sân bay thứ 2 vùng thủ đô là sân bay quốc tế.
Cũng theo quy hoạch nêu trên, Chính phủ đồng ý tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Hải Phòng đã được phê duyệt. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.
Là địa phương có một trong những cảng hàng không được Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng, Đà Nẵng vừa phê duyệt đề án "Phát triển dịch vụ logistics thành phố kết nối hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, ga hàng hóa tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và hạ tầng trung tâm logistics hàng không Đà Nẵng nằm trong các dự án logistics trọng điểm, được thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào khai thác.
Theo Sở GTVT TP Đà Nẵng, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng nhà ga hàng hóa - Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Tổng công ty này đang thực hiện thủ tục lập và phê duyệt dự án, dự kiến quý III/2023 khởi công xây dựng.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị thẩm định, phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng nhu cầu vốn đầu tư 31.000 tỉ đồng.
Cần dự báo tốc độ tăng trưởng để tránh quá tải
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines nhận định việc có thêm các cảng hàng không là cần thiết. Bởi lẽ, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế; hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không, so với các nước trong khu vực là khá thấp khi Malaysia có 38 sân bay, Thái Lan 38 sân bay, Philippines tới 70 sân bay…
Hiện nay, một số sân bay đã quá tải và tắc nghẽn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài…, làm cản trở sự phát triển của ngành hàng không, phát sinh chi phí cho cả doanh nghiệp và người dân. Do đó, để phát triển thị trường hàng không tương xứng với tiềm năng, điều kiện tiên quyết là phải phát triển hạ tầng hàng không, sân bay.
"Việt Nam cần quy hoạch hạ tầng sân bay nhằm chuẩn bị nguồn lực. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành hàng không xây dựng kế hoạch và chiến lược phù hợp. Để hiệu quả, việc quy hoạch sân bay cần phối hợp với các lĩnh vực khác trong ngành nhằm bảo đảm đồng bộ, bao gồm cả việc phối hợp với các hãng hàng không" - đại diện Vietnam Airlines nhìn nhận.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, cho rằng việc mở rộng mạng lưới sân bay giúp ngành hàng không phát triển, giúp việc kết nối với các khu vực thuận lợi, nhất là đối với đất nước có chiều dài như Việt Nam. Theo ông Kỳ, hiện cả đất nước có 100 triệu dân mà chưa tới 300 máy bay là quá ít nên rất cần đầu tư thêm cảng hàng không, sân bay, kể cả sân bay quốc tế.
"Quy hoạch đã vạch rõ lộ trình, bước đi đối với sân bay nội địa, sân bay quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền để thu hút vốn đầu tư, xã hội hóa nhằm thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn. Có thể kêu gọi vốn FDI cho việc đầu tư hạ tầng cảng hàng không, sân bay. Để quy hoạch triển khai hiệu quả, có thể thường xuyên tính toán cập nhật, rà soát mạng lưới sân bay theo nhu cầu phát triển của từng địa phương, từng vùng" - ông Nguyễn Quốc Kỳ gợi ý.
Góp ý sâu hơn cho quy hoạch mạng lưới sân bay, PGS-TS Nguyễn Duy Đồng, Phó Chủ tịch Hội Hàng không, cho rằng quy hoạch một sân bay thương mại với 2 đường cất/ hạ cánh nên đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách khoảng 30-40 triệu lượt, thay vì mức quy hoạch 10-20 triệu lượt hiện nay.
"Về số lượng sân bay, nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là tính hiệu quả dựa trên nhu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đề xuất một sân bay cần phù hợp cả quản lý, quy hoạch và đồng bộ với hệ thống giao thông khác. Cũng cần rà soát để điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của địa phương. Trong đó, nhu cầu phát triển hàng không chung nên được xem xét nhằm tạo điều kiện cho các dòng máy bay nhỏ hoạt động" - PGS-TS Nguyễn Duy Đồng góp ý.
Theo các chuyên gia và hãng hàng không, cần có dự báo về tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không để tránh việc các cảng sau khi xây không đáp ứng được nhu cầu và tránh quá tải trong tương lai. TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhận định việc quy hoạch cần căn cứ theo nhu cầu thực tế và điều kiện phát triển đúng nhu cầu của địa phương. Quy hoạch mạng lưới cảng hàng không, sân bay có thể góp phần tạo đột phá cho sự phát triển của địa phương, của vùng. Dù vậy, quy hoạch hạ tầng sân bay phải phù hợp với tổng thể quy hoạch phát triển vùng và cả nước.
"Điều kiện quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay phải bảo đảm các tiêu chí. Cần xác định mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng sân bay theo từng giai đoạn, bảo đảm an toàn hàng không; có phương án kết nối giao thông với các khu vực lân cận và phương án bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu" - ông Thắng nêu quan điểm.
Khẩn trương bàn giao mặt bằng dự án thành phần sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Tổ công tác dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương triển khai và chủ động bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư các dự án thành phần và đơn vị liên quan để triển khai thi công công trình. Bàn giao sớm (trong tháng 6-2023) đối với diện tích cho các tuyến đường thi công và diện tích đất cho giai đoạn 2 (khu vực cạnh nhà ga hành khách, khoảng 300 ha).
Về mức hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-6.
T.Dũng