A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có nên công bố hết dịch COVID-19?

Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu, nên việc công bố hết dịch trong nước vẫn cần được cân nhắc cẩn thận.

Mới đây, trên Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã làm “dạy sóng” dư luận với đề xuất “cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 ở nước ta”.

Để lý giải cho đề xuất của mình, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói: “Trong thực tế, chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị hiện nay ngày càng giảm xuống… Chúng ta cũng thấy rõ là trong hội trường Quốc hội không ai đeo khẩu trang. Trong khi nếu theo quy định phòng chống đại dịch thì phải đeo khẩu trang”.

Đúng là, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương đã bỏ giãn cách, mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Nói cách khác, chúng ta gọi đó là “bình thường mới” và trong trạng thái “bình thường mới” chúng ta đã bắt đầu tính chuyện làm ăn, phát triển kinh tế trở lại. Ở mặt trận quốc nội, ví dụ rõ nhất là việc hàng loạt các biện pháp đã được tung ra để kích cầu du lịch nội địa. Ở mặt trận giao thương với bên ngoài, chúng ta đã sẵn sàng kêu gọi và tiến tới việc đón nhận những làn sóng đầu tư mới.

Theo Fitch Ratings, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn FDI vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch quốc tế đang dần nối lại từ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sáu tháng năm 2022 đạt 371,1 tỷ USD, tăng 16,4%, cho thấy sự phục hồi kinh tế ấn tượng.

Tuy nhiên,  việc có công bố hết dịch hay không và công bố như thế nào, nhất định phải căn cứ theo luật, cụ thể là Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bởi vì COVID-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm.

Thực tế, mặc dù tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên số ca mắc đã có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 27/10 của Bộ Y tế cho biết, có 484 ca mắc mới, giảm gần 400 ca so với hôm qua, 3 ca tử vong tại Bắc Kạn. Qua đó, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.498.873 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.205 ca nhiễm).

Đặc biệt, Việt Nam đã ghi nhận các biến thể phụ BA.4, BA.5 và đang dần chiếm ưu thế tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ em tại nhiều địa phương còn thấp.

Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Mặt khác, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với COVD-19 có những thách thức như: theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng.

Hoặc, vấn đề kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vắc xin trong tình trạng khẩn cấp..v..v.

Trong khi trên thế giới, hầu hết các nước có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới của virus liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vắc xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Thành thử, chúng ta vẫn phải xem xét thật kỹ lưỡng trước khi quyết định tuyên bố hết dịch COVID-19. Bởi nếu bùng phát dịch thì chúng ta lại một lần nữa đi tìm nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm.

Do đó, để khôi phục kinh tế và ổn định đời sống dân sinh, biện pháp khả thi lúc này là chỉ có thể từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B… mà thôi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :