Cập nhật các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và điều trị bệnh sởi trong các cơ sở y tế
Ngày 3/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về chẩn đoán, điều trị sởi, với sự tham gia của các y bác sỹ tại hơn 500 điểm cầu tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ sở khám, chữa bệnh...
Hội nghị tập trung thảo luận về hướng dẫn cập nhật trong bối cảnh số ca mắc sởi gia tăng, một số trường hợp tử vong đã được ghi nhận.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Bệnh sởi có xu hướng gia tăng từ cuối năm 2024, đặc biệt trong quý I/2025. Thủ tướng chính phủ đã có Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 14/11/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi; Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 về việc về việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi. Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các đơn vị về tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ngày 26/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1019/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi mới. Đây là tài liệu chuyên môn quan trọng để các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai áp dụng trong thực hành lâm sàng thay cho hướng dẫn được Bộ Y tế ban hành cách đây 11 năm với nhiều điểm mới.
Theo hướng dẫn, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế yêu cầu cần cách ly lâu hơn với người bệnh suy giảm miễn dịch, đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine phòng sởi. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh, nhưng tỷ lệ mắc sởi hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn được WHO quan tâm, tiếp tục coi là vấn đề y tế toàn cầu.
Trong hướng dẫn, hệ thống y tế được phân cấp điều trị rõ ràng, từ trạm y tế xã đến bệnh viện chuyên khoa. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi mới cập nhật yêu cầu xét nghiệm IgM lần hai hoặc PCR nếu nghi ngờ nhưng IgM âm tính; phân cấp điều trị bệnh nhân sởi từ tuyến xã đến bệnh viện chuyên khoa; bổ sung chỉ định dùng Immunoglobulin (IVIG) cho trẻ dưới 9 tháng, phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc tăng cường tiêm chủng, kiểm soát lây nhiễm và chăm sóc điều dưỡng để hạn chế biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não.
Việc cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi là cần thiết trong bối cảnh số ca mắc đang gia tăng. Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vaccine đầy đủ vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, đồng thời kêu gọi các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn mới để kiểm soát dịch bệnh.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Khám, chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sởi theo đúng phác đồ, đảm bảo sàng lọc, phân luồng và cách ly từ sớm, tránh lây lan do sởi có tỷ lệ lây nhiễm; rà soát, tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ đang điều trị bệnh khác trong thời gian nằm viện, nhằm giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong khi mắc đồng thời sởi và bệnh nền; các bệnh viện cần thực hiện phân luồng hợp lý để nâng cao năng lực điều trị tuyến dưới, đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân sởi hiệu quả.
Tại hội nghị, các chuyên gia từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày các nội dung của hướng dẫn, trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các đại biểu liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh sởi./.
HQ