Bộ Xây dựng ủng hộ xây đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 71 tỉ USD
Bộ Xây dựng thống nhất phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3, đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, vốn đầu tư 71,69 tỉ USD, tuy nhiên có một số lưu ý
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xin ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với 3 kịch bản, trong đó có 2 kịch bản tàu tốc độ 350 km/giờ chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Bộ Xây dựng ủng hộ xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 71 tỉ USD theo kịch bản 3 do Bộ GTVT đề xuất (ảnh minh hoạ)
Trong văn bản góp ý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lựa chọn kịch bản 3. Tuy nhiên để nâng cao tính khả thi của kịch bản 3, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT cần lưu ý một số vấn đề.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, đề án đầu tư chưa thể hiện rõ việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu bằng khổ đường nào. Với xu thế hội nhập, đảm bảo yêu cầu liên vận quốc tế trong quá trình vận hành sau này, Bộ GTVT cần nghiên cứu nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu theo hướng thay thế toàn bộ khổ đường 1.000 mm hiện nay bằng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 49-KL/TW ngày 28-2-2023.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.545 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, các địa phương đang trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các đồ án quy hoạch xây dựng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương có dự án chạy qua để giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến, tránh việc phải điều chỉnh hướng tuyến làm phát sinh chi phí đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý với chi phí đầu tư đường sắt Bắc - Nam lên tới hàng chục tỉ USD, để đảm bảo tính khả thi của đề án, Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.
Đầu tháng 10-2023, Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó giao Bộ GTVT là cơ quan thường trực, lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo về các kịch bản đầu tư. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo cuối tháng 10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban chỉ đạo, cho rằng phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ.
Kịch bản 1: Đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD.
Kịch bản 2: Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/giờ, chạy tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD.
Kịch bản 3: Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.
Kết luận 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; TP HCM - Nha Trang).
Đến năm 2030: Tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có. Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP HCM...); phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hoà - Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành), đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi); đối với tuyến TP HCM - Cần Thơ đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội - Hạ Long.
Đến năm 2045: Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP HCM vào năm 2035. Hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045...