USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn
Đồng euro cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đều không thể làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào đồng bạc xanh.
Đồng 100 USD . (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo báo cáo "Giám sát sự thống trị của đồng USD" của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Đồng euro cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đều không thể làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào đồng bạc xanh.
Báo cáo cho rằng đồng USD vẫn là đồng tiền chủ yếu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và các giao dịch tiền tệ trên toàn cầu và vai trò đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu sẽ được duy trì trong ngắn và trung hạn.
Sự thống trị của đồng USD, vai trò quá lớn của đồng bạc xanh trong nền kinh tế toàn cầu, gần đây được củng cố nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng, dù sự phân mảnh về kinh tế khiến các nền kinh tế BRICS chuyển sang các đồng tiền dự trữ và quốc tế khác.
Theo báo cáo, các lệnh trừng phạt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhằm vào Nga sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy nỗ lực của BRICS trong việc phát triển một liên minh tiền tệ, nhưng nhóm này không thể đạt tiến triển trong việc phi đô la hóa.
BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Các cuộc đàm phán về một hệ thống thanh toán nội bộ BRICS vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng các thỏa thuận song phương và đa phương trong nhóm có thể từng bước tạo tiền đề cho một nền tảng trao đổi tiền tệ.
Tuy nhiên, các thỏa thuận này không dễ dàng mở rộng, do được đàm phán đơn lẻ. Hội đồng Đại Tây Dương nhấn mạnh Trung Quốc đã tích cực tăng thanh khoản của đồng nhân dân tệ thông qua các thỏa thuận hoán đổi với các đối tác thương mại, nhưng tỷ trọng của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối của toàn cầu giảm xuống 2,3% so với mức đỉnh 2,8% vào năm 2022.
Trong khi đó, đồng euro, đồng tiền từng được coi là đối thủ của đồng USD trong vai trò đồng tiền quốc tế, cũng yếu đi, khi những nước muốn giảm rủi ro đã chuyển sang vàng.
Theo báo cáo, các lệnh trừng phạt Nga đã cho các nhà quản lý dự trữ ngoại hối thấy rằng đồng euro có nguy cơ chịu tác động từ các rủi ro địa chính trị tương tự như đồng USD.
Những lo ngại về sự ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng tài chính và việc thiếu một liên minh các thị trường vốn châu Âu cũng ảnh hưởng đến vị thế đồng tiền quốc tế của đồng euro./.