Khơi thông tín dụng sinh viên
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố sẽ cùng Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng bàn biện pháp để thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên
Tại buổi làm việc giữa UBND TP HCM và ĐHQG TP HCM về sơ kết 1 năm chương trình hợp tác diễn ra chiều 15-3, UBND TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng trong 8 nội dung mà hai bên thỏa thuận hợp tác, việc xây dựng quỹ tín dụng sinh viên cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa. "Chúng ta phải xây dựng chương trình này trên nền tảng đã triển khai theo quy mô lớn hơn, tầm vóc hơn" - ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Sinh viên vẫn khó tiếp cận vốn vay
Phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bởi đây sẽ là cơ hội để tháo gỡ những nút thắt liên quan đến việc vay vốn học tập từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) của học sinh, sinh viên.
TS Nguyễn Đình Hưng, Trưởng Ban Tài chính - ĐHQG TP HCM, cho biết tỉ lệ sinh viên thuộc ĐHQG TP HCM có nhu cầu vay vốn là trên 10%. Trong số này có những sinh viên đáp ứng được nhu cầu vay vốn của NHCSXH nhưng cũng có người không đủ điều kiện. Ngoài ra, mức cho vay từ NHCSXH hiện chỉ 4 triệu đồng/tháng trong khi nhu cầu thực tế phải lên tới 7 triệu đồng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên và Thanh tra giáo dục, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, mỗi năm trường này có hàng ngàn sinh viên đề nghị nhà trường xác nhận để vay vốn học tập từ NHCSXH, trong đó nhiều trường hợp không tiếp cận được nguồn vốn vì không đáp ứng được yêu cầu. Ông Dung cũng cho rằng mức vay điều chỉnh từ 2 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng dù mới có hiệu lực nhưng vẫn thấp hơn so với nhu cầu. Vì vậy, nhiều trường hợp sinh viên tìm kiếm tài chính từ nguồn khác, thậm chí sa vào tín dụng đen.
Sinh viên một trường ĐH tại TP HCM làm giấy xác nhận để vay tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM cho rằng khi các trường ĐH đều thực hiện tự chủ tài chính thì nhu cầu vay vốn của sinh viên tăng. Hiện nay, NHCSXH hỗ trợ tín dụng cho sinh viên nhưng không phải ai có nhu cầu cũng được tiếp cận và mức vay cũng không đủ so với nhu cầu.
Đây cũng là vấn đề mà tại hội nghị nói trên, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi mong muốn nhà trường, các tổ chức tín dụng, ngân hàng quan tâm hơn nữa. Theo ông Phan Văn Mãi, sinh viên khi học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố có nhu cầu vay vốn thì các trường phải xác định nhu cầu và dùng nguồn quỹ của trường bảo lãnh, hỗ trợ lãi suất và bù rủi ro. Thành phố sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên.
Ngân hàng thương mại nên tham gia
Bàn về việc tháo gỡ "nút thắt" tín dụng cho sinh viên, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, nói rằng thiết kế chính sách này là cần thiết nhưng để triển khai thực tiễn cần có chủ trương của UBND TP HCM và sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai cơ chế đột phá, đặc thù của thành phố. Đó là cơ chế triển khai, huy động và tạo nguồn vốn tín dụng cho sinh viên, dùng ngân sách của TP HCM cấp bù cho trường hợp rủi ro mất vốn cho chính sách tín dụng sinh viên, quản trị vốn…
Từ thực tiễn của Trường ĐH Mở TP HCM, GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, đề nghị cần tăng mức cho vay và mở rộng đối tượng cho vay trong sinh viên. Để làm được việc đó, cần sự tham gia của các ngân hàng thương mại, còn nguồn ngân sách từ NHCSXH cho vay như hiện nay nên được dùng để bù lãi suất, bảo lãnh rủi ro…
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM đánh giá chủ trương của TP HCM về tăng quy mô tín dụng cho sinh viên là quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ có NHCSXH là chưa đủ mà cần sự tham gia mạnh mẽ từ các ngân hàng thương mại. "Với sinh viên, việc vay vốn chỉ là tín chấp nên việc huy động được sự tham gia của các tổ chức tín dụng cần có cơ chế thông suốt. Điều này phụ thuộc vào chính sách mang tính đặc thù, đột phá của thành phố" - vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Trên 3,7 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn
Theo NHCSXH Việt Nam, tính đến hết năm 2022, sau 15 năm triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, đến nay, chương trình đã giúp cho trên 3,7 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn. Việc cho vay trực tiếp hộ gia đình học sinh, sinh viên có ủy thác một số nội dung thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã bảo đảm việc giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và NH. Đồng thời, tranh thủ được sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương… từ bình xét, xác nhận đối tượng, hướng dẫn thủ tục cho vay đến việc sử dụng vốn vay và trả nợ tiền vay khi đến hạn.
Việc xã hội hóa chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu được rủi ro, phát huy được vai trò trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình và của học sinh, sinh viên trực tiếp sử dụng vốn vay. Từ đó, hộ vay vốn có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ gia đình để trả nợ khi đến hạn.
T.Phương
Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM:
Nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay
Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên là một trong 11 chương trình tín dụng chính sách đã và đang được NHCSXH TP HCM thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đây là một chương trình tín dụng chính sách hiệu quả cả về mặt xã hội và phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững. Những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng của chương trình có tiền trang trải sinh hoạt phí, học phí, phương tiện và đồ dùng học tập… để học tập và trưởng thành. Điều này rất ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các trường ĐH, CĐ trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình cho vay để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc nhận tiền vay và đóng học phí. Đồng thời, để chương trình hiệu quả hơn, NHCSXH kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với những hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang đi học; hoặc cho vay những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống tại vùng khó khăn hiện nay chưa thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng về tín dụng cho học sinh, sinh viên của các NH thương mại, nhiều NH thương mại cũng chủ động phối hợp với các trường ĐH, CĐ triển khai những chương trình liên kết cho vay, mở thẻ tín dụng… Tuy nhiên, lãi suất cho vay tín chấp khá cao và đòi hỏi khả năng tài chính, khả năng trả nợ của người vay. Đây là một nút thắt cần tháo gỡ.
Chuyên gia kinh tế, TS ĐINH THẾ HIỂN:
Nên có chính sách tín dụng cho từng đối tượng
Chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên là cần thiết, giúp học sinh, sinh viên vừa có tiền trang trải học tập. Dù vậy, nếu triển khai không hiệu quả, có thể trở thành gánh nặng cho chính học sinh, sinh viên đó. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là cân nhắc khả năng tài chính và khả năng trả nợ của người vay.
Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên có thể chia thành nhiều loại, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ những ngành nghề đào tạo mà xã hội đang cần, những ngành nghề cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Chẳng hạn, đối với sinh viên theo học các trường kỹ thuật, nông nghiệp, cơ khí… không chỉ của các trường ĐH mà cả CĐ, trung cấp, trường nghề đều nên được hỗ trợ vay vốn tín dụng với các mức lãi suất thấp có sự hỗ trợ từ NHCSXH.
Riêng mức cho vay hiện hành 4 triệu đồng/người/tháng của NHCSXH có thể chưa đủ trang trải chi phí học tập, sinh hoạt phí nhưng là phù hợp nếu xét trong bối cảnh chung. Riêng với một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng theo học chương trình cao cấp, chương trình cử nhân tài năng hay chất lượng cao đặc thù… có thể triển khai chính sách hỗ trợ đặc biệt hơn để trọng dụng nhân tài.
Th.Phương ghi