A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khả năng kiếm tiền của các ngân hàng Đông Nam Á ngày càng cải thiện

Ngân hàng DBS Group Holdings của Singapore và Ngân hàng Trung ương châu Á (BCA) của Indonesia hiện có giá trị thị trường gần bằng hoặc cao hơn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG). Sự “đổi ngôi” này cho thấy khả năng kiếm tiền của các ngân hàng Đông Nam Á ngày càng lớn.

Vốn hoá thị trường của DBS là 63.4 tỷ USD và của BCA là 68.6 tỷ USD tính đến phiên 07/11, theo dữ liệu từ Refinitiv. Trong khi đó, vốn hoá của MUFG loanh quanh ở 63.7 tỷ USD.

Chỉ 6 tháng trước, vốn hoá của DBS và BCA thấp hơn MUFG tới hơn 10 tỷ USD. Nhưng nhờ lợi nhuận cao cùng với sự suy yếu của đồng yên làm ảnh hưởng tới vốn hoá thị trường của MUFG khi đổi ra đôla Mỹ, các ngân hàng ở Đông Nam Á nhanh chóng thu hẹp được khoảng cách.

Lợi nhuận ròng quý 3/2022 của DBS tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức kỷ lục mới là 2.23 tỷ đô la Singapore (1.59 tỷ USD). Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của DBS tăng 0.32 điểm % từ quý 2/2022 lên 1.9% trong quý 3/2022.

Giám đốc điều hành Piyush Gupta của DBS cho biết: "Nếu lãi suất của Fed đạt đỉnh 4.75%, NIM của chúng tôi sẽ cố định ở mức 2.20 - 2.25% vào giữa năm tới”.

Tại BCA, lợi nhuận sau thuế tăng 25% trong quý 3/2022. Dư nợ cho vay tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ suất lợi nhuận duy trì trên 5%.

Đà tăng trưởng kinh tế cùng với thu nhập tăng lên là hai yếu tố thúc đẩy dòng tiền đổ vào từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài khu vực. Trong 9 tháng đầu năm nay, DBS ghi nhận dòng vốn mới đạt 15 tỷ đô la Singapore, gấp đôi con số của một năm trước đó.

Văn phòng gia đình, đơn vị quản lý tài sản cho những người giàu có, ở Singapore cũng phát triển hơn. Vì vậy, DBS dự kiến thu nhập từ phí quản lý tài sản và giao dịch thẻ thông qua quan hệ làm ăn với các văn phòng gia đình sẽ tăng mạnh.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản lại không nhìn thấy hy vọng về việc tỷ suất lợi nhuận của hoạt động trong nước được cải thiện do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của DBS là 16.3% vào quý 3/2022, trong khi ROE của MUFG chỉ là 2.9% ở quý 2/2022. ROE mục tiêu của MUFG cho cả năm tài chính 2023 vẫn ở mức khiêm tốn là 7.5%, điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt về tiềm năng lợi nhuận của ngân hàng này so với DBS.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 5 nền kinh tế lớn nhất tại ASEAN sẽ tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Các ngân hàng ở Đông Nam Á được hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ tiềm năng tăng trưởng của mỗi quốc gia tương ứng.

Trong cáo báo Global Financial Centers Index (CHỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu) mới nhất do tổ chức tư vấn Z/Yen của Anh công bố hồi tháng 09/2022, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) lần lượt chiếm vị trí thứ 3 và 4. Trong khi đó, Tokyo tụt xuống vị trí thứ 16.

Các ngân hàng Nhật Bản đã chuyển nguồn lực sang Đông Nam Á để tận dụng đà tăng trưởng của thị trường này. Công ty con Bank Danamon của MUFG tại Indonesia hiện có tỷ suất lợi nhuận gần 8%, cao hơn con số tại thị trường Nhật Bản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :