Đến lượt các ngân hàng lớn tăng lãi suất tiền gửi
Sau khi nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ huy động vốn với lãi suất cao nhất đến 9,3%/năm, một số ngân hàng lớn bắt đầu điều chỉnh lãi suất tiền gửi lên tới 7,4%/năm
Lãi suất tiền gửi tại Vietcombank lên tới 7,4%/năm
Qua 2 ngày "án binh bất động" trước động thái Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng thêm trần lãi suất 1% đối với một số kỳ hạn tiền gửi, hôm nay (27-10), một số ngân hàng (NH) thương mại quy mô lớn chính thức công bố lãi suất tiền gửi mới.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4,1%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,4%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn hạn 6 tháng từ 4,7%/năm vọt lên 6%/năm. Đặc biệt tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng tại BIDV tăng 1 điểm %, từ 6,4%/năm lên 7,4%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng cũng lên tới 4,9%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng tăng lên 5,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở ngân hàng này cũng cán mức 7,4%/năm.
Các mức lãi suất tiền gửi tại Vietcombank, Agribank cũng tăng lên tương tự Vietinbank và BIDV. Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành hôm 25-10, đến nay 4 "ông lớn" nói trên là những ngân hàng thương mại cuối cùng bước vào làn sóng điều chỉnh lãi suất tiền gửi
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo của 1 trong 4 ngân hàng thương mại nói trên cho rằng các mức lãi suất vừa tăng là khá cao nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều ngân hàng khác 1 điểm %. Tuy vậy, người này thừa nhận lãi suất đầu vào tăng sẽ làm cho lãi suất cho vay trong thời gian tới tăng theo, doanh nghiệp vay vốn sẽ gặp khó khăn.
Công ty Chứng khoán Thàng công (TCSC) nhận định động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng lan tỏa đến lãi suất huy động toàn bộ ngân hàng thương mại. Theo đó, áp lực về nguồn vốn và chi phí kinh doanh tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị có trái phiếu sắp đến hạn thanh toán.