Đã có phương án xử lý các ngân hàng yếu kém, SCB
Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng SCB...
Thông tin này được Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết khi thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/1.
Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh báo cáo về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình, kết quả kinh tế xã hội 2022, phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023, ngày 3/1. Ảnh: VGP |
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2022 đã giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 - 2025, trong đó hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng... Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,92%, nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu so với tổng dư nợ là 4,5%.
Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Còn với Ngân hàng Sài Gòn, từ giữa tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt. Việc này để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. SCB vốn được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Nhà băng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 tổ chức tín dụng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.
Sau chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ cho biết, năm nay sẽ tập trung triển khai, nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Ngoài ra, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B - Ô Môn; dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, chủ trương phá sản SBIC.
Phương án xử lý các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố... cũng được Chính phủ báo cáo, trình Bộ Chính trị trong năm 2022.
Nhìn lại năm 2022, lãnh đạo Chính phủ nhận xét, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép. Áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh. Các thị trường lớn, truyền thống suy giảm; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn... Nhưng với kịch bản điều hành chủ động, linh hoạt, nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế phục hồi nhanh chóng.
Điều này thể hiện qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%.
Lãi suất được điều chỉnh phù hợp, tăng trưởng tín dụng cả năm đạt gần 12,9%. Thu ngân sách vượt hơn 26% dự toán, tăng gần 14% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 732,5 tỷ USD; cán cân thương mại thặng dư 7 năm liên tiếp, khi đạt trên 11 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện là 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo điều hành là đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 3/1. Ảnh: VGP |
Tuy vậy, kinh tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn. "Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu", lãnh đạo Chính phủ nhận xét.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội Quốc hội giao, có 13 chỉ tiêu vượt. Một chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25,03%. Và một chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng năng suất lao động, với 4,8% (thấp hơn mục tiêu 0,7%).
Các thị trường vốn như trái phiếu, chứng khoán, bất động sản... tiềm ẩn rủi ro, buộc phải rà soát, hoàn thiện lại khung pháp lý để phát triển bền vững, lành mạnh và tạo niềm tin với nhà đầu tư. Các quy định về phát triển trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng tới phát triển kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới làm gia tăng áp lực với Nhà nước, nhà đầu tư khi đền bù, giải phóng mặt bằng...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, đến 30/12, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành khoảng 333.400 tỷ đồng, có xu hướng giảm dần qua các quý.
Với thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index chốt phiên 30/12 ở 1.007,09 điểm, giảm gần 4% so với tháng trước và xấp xỉ 33% so với cuối năm 2021. Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương 55% GDP ước tính năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân là 20.200 tỷ đồng một phiên, giảm hơn 24% so với năm ngoái.
Để ngăn tình trạng giá đất sốt ảo ở một số địa phương, khu vực, Thủ tướng đã lập Tổ công tác đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án bất động sản.
2023, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả".
Ông yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần "biến nguy thành cơ", vừa xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh... Việc này nhằm tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
"Tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có hiệu quả, sản phẩm được lượng hoá, cân đong, đo, đếm được", Thủ tướng nói.
Năm nay Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% và lạm phát kiểm soát khoảng 4%. Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi tham mưu Chính phủ đánh giá, thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản... cần được điều hành, quản lý, không để mất an toàn hệ thống, đảm bảo thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, ổn định. Tăng trưởng tín dụng năm sau cần được điều hành hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn kinh tế để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ, phát sinh nhiều biến chủng mới, ông Dũng cho rằng, nhiệm vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh "không thể lơ là".
Cùng đó, các cơ quan, bộ, ngành cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Nền kinh tế cần tiếp tục cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu nền kinh tế...