Cần gia tăng công cụ chính sách cho Ngân hàng Nhà nước
Mới đây, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) ra thông báo đã sẵn sàng mua bán trái phiếu chính phủ nhằm điều chỉnh các chênh lệch về lãi suất - thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thương mại (Interest-maturity mismatch). Đây là một động thái cực kỳ bất ngờ của họ.
Lần đầu tiên và duy nhất PBOC mua trái phiếu chính phủ là năm 2008, khi khủng hoảng tài chính diễn ra. Động thái lần này hoàn toàn khác so với những gì xảy ra năm 2008. Thay vì chỉ đơn giản là tài trợ cho một khoản chi tiêu công lớn thì động thái này giống như một hình thức nắn và điều chỉnh các đường cong lãi suất (Yield curve control) trong hệ thống chính sách lạm phát mục tiêu (inflation-target).
PBOC nổi tiếng về việc đi theo chính sách tỷ giá mục tiêu (FX-rate target), không ít lần bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ nên đây là lần đầu chủ động thực hiện một chính sách mới mang màu sắc hoàn toàn đối ngược. Điều khác biệt trong điều hành của chính sách này là hướng tới việc điều chỉnh rủi ro lãi suất trên số ngân hàng (IRRBB) của hệ thống ngân hàng thương mại.
Đây là điều hoàn toàn bất ngờ cho giới phân tích. Trước giờ PBOC vẫn nổi tiếng với các biện pháp phòng thủ và thúc đẩy có giới hạn, lần này lại tuyên bố sẵn sàng can thiệp mang tính chất “tài trợ” cho thâm hụt tài khóa kiểu Mỹ.
Thế giới tài chính đang thay đổi qua những biến chuyển quan trọng ở thượng tầng, mang tính trực tiếp và nhanh hơn rất nhiều.
Ngay như trong khoảng thời gian cách đây hơn 1 tháng, Fed cũng chỉ sau 1 cuộc họp thảo luận vào tháng 4, đã trực tiếp tăng lượng trái phiếu chính phủ được tái tục trong danh mục (giảm lượng trái phiếu đáo hạn không tái tục từ 60 tỷ USD mỗi tháng xuống chỉ còn 25 tỷ USD mỗi tháng), trực tiếp làm chậm quá trình thu hẹp cân đối (Quantitative Easing). Một động thái cũng bất ngờ không kém. Ngay cả khi Jerome Powell, Chủ tịch Fed, tuyên bố không từ bỏ mục tiêu lạm phát, nhưng hành động này lại còn làm chậm việc đưa lạm phát trở lại mức 2% rất nhiều.
Dường như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến nới lỏng định lượng trong chu kỳ mới và chấp nhận những công cụ mới, biện pháp mới trực diện hơn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vận hành chủ yếu với mục tiêu tỷ giá (FX-rate target) làm kim chỉ nam cho các vấn đề, điều hành đồng thời công cụ hành lang lãi suất (Corridor Interest) để điều hành ở thị trường 2. Còn ở thị trường 1, NHNN vẫn điều hành theo room tín dụng và các tỷ lệ hệ thống.
Phương án điều hành hiện tại trong môi trường tăng trưởng tín dụng thấp khiến NHNN khó có thể thực hiện các mục tiêu đã đề ra về tăng trưởng, kiểm soát tỷ giá và lãi suất. Công cụ chính của NHNN là mua bán USD nên không phải lúc nào cũng sẵn sàng trong việc nới lỏng hay thắt chặt mà điều này gần như phụ thuộc vào môi trường bên ngoài.
Chẳng hạn trong điều kiện hiện tại, khi Fed chưa hạ lãi suất, NHNN gần như hoàn toàn bị động. Còn tỷ giá, trong khi cần thúc đẩy cho vay ở thị trường 1 thì lại gần như không có công cụ nào đáng kể.
Ở Nhật Bản, Bộ Tài chính thực hiện rất nhiều chức năng trong cân đối và điều hành tiền tệ như mua bán USD hay kiểm soát về cán cân thương mại. Ở Trung Quốc, một cơ quan giám sát hệ thống siêu quyền lực là Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC) đã ra đời vào năm 2017, nhằm mục đích thúc đẩy ổn định và phát triển tài chính, nơi quyết định cuối cùng của những chính sách kết hợp giữa PBOC và NFRD, nhằm phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.
Trong khi thế giới bắt đầu thay đổi nhanh, chúng ta vẫn đang loay hoay với những bài toán nhiều năm chưa có lời giải thỏa đáng. Từ việc đầu tư công chậm chạp tới việc chậm giải ngân tín dụng. Phải chăng chúng ta vẫn đang chậm trong trong việc thay đổi?
Đơn cử như câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, trước đây là một thị trường tiềm năng, dù chưa được phát triển đúng hướng; nay dần nguội lạnh, thậm chí bị suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Người ta vẫn nhắc về “shadow banking” (ngân hàng ngầm) với một ý nghĩa mang tính cực đoan, thậm chí một vài bên còn hiểu nó như một cách rửa tiền. Rõ ràng việc thay đổi tư duy về chuyện thâm hụt tài khóa hay chuyện ngân hàng ngầm cần nhiều thời gian.
Tựu trung lại, tín dụng đã chậm năm thứ 2 liên tiếp, nhưng vẫn loay hoay các vấn đề về cung tiền; đầu tư công chậm và vẫn loay hoay câu chuyện giải ngân. Đã đến lúc cần nhiều công cụ và giải pháp hơn, để trong những tình huống khó khăn, các bên điều hành có thể trực tiếp giải quyết vấn đề.