A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Lắng nghe nông dân nói

Ngày 14/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói” được tổ chức tại Hà Nội.

* Phản ánh, tâm tư nguyện vọng của nông dân

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chương trình hành động, quyết định, kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, với đặc thù của ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn những tồn tại, nhiều hạn chế, cả về mặt khách quan và chủ quan như sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân đặt ra nhiều thách thức mới; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ổn định đời sống dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa... Những vấn đề đó, đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách tháo gỡ cụ thể để hướng tới mục tiêu hình thành nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói lần này được tổ chức với mục đích, ý nghĩa rất thiết thực, làm cơ sở để hướng tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.

“Đây là dịp để chúng tôi được lắng nghe các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất, phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

* Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn

Nêu câu hỏi tại Diễn đàn, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (thôn Tân Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) Lê Anh Sơn cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất là người nông dân vẫn thiếu kiến thức về thị trường và chưa có điều kiện để bảo quản nông sản đúng cách. Ông kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các cấp Hội Nông dân địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng các phương án giúp ổn định giá nông sản. Ông Lê Anh Sơn nêu ví dụ cụ thể như chỉ bán cà phê, hồ tiêu khi cần thiết, việc này giúp giảm áp lực cung ứng ra thị trường, giữ cho giá nông sản luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng các kho bãi đạt chuẩn, giúp người nông dân bảo quản cà phê và hồ tiêu một cách hiệu quả hơn. Việc này không chỉ giúp ổn định giá cả mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (Bắc Giang) Nguyễn Ngọc Hải cho biết, làm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bão giá… Bên cạnh những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, quay vòng sản xuất, ông Hải cho rằng, mặt bằng cũng là một trong những yếu tố rất cần thiết với người nông dân. Ông Hải kiến nghị, các tỉnh cần chú ý đến việc hình thành cụm công nghiệp dành cho chế biến, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến sản phẩm đạt hiệu quả hơn.

“Nếu chúng ta cứ để hợp tác xã xây dựng khu chế biến trong khu đất thổ cư sẽ không thể vay vốn chăn nuôi và chế biến. Việc quy hoạch cụm công nghiệp chế biến sẽ thành quần thể và giúp cho các đơn vị xúc tiến thương mại tốt hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hải nêu ý kiến.

Nhiều ý kiến của các nông dân bày tỏ biết ơn Đảng, Nhà nước khi đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để tập hợp được sức mạnh của nông dân, có rất nhiều khó khăn cần giải quyết, đầu tiên là tiếp cận vốn, sau đó đến trình độ, năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường…

Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Các hợp tác xã phải thay đổi tư duy là hợp tác xã kinh tế chứ không nên giữ tư duy hợp tác xã sản xuất. Hiện chúng ta vẫn đang tư duy kiểu cũ. Khi thay đổi tư duy phải có người nghiên cứu về kinh tế, thị trường,  pháp luật, thậm chí phải có người nghiên cứu về cách đa dạng hóa sản phẩm… Hợp tác xã làm cách nào tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn bằng tư duy kinh tế, tư duy thị trường.

“Trong phần tài liệu sáng nay, tôi gửi cho các bác nông dân đã có cài theo danh thiếp, nếu phần trả lời chưa đầy đủ, xin bà con nhắn tin, gọi điện cho tôi để được giải đáp thêm và cũng mong bà con mạnh dạn, thường xuyên làm điều đó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại sau khi giải đáp những thắc mắc của người nông dân.

Về thiệt hại do bão số 3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao đồng vốn sớm đến tay bà con.

Chia sẻ với người dân, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, trong thời gian vừa qua và sắp tới, Hội sẽ tiếp tục ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Theo tôi, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của nông dân, hợp tác xã. Chúng tôi không sợ bà con không làm được mà sợ bà con không hiểu”, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh./.

Đỗ Bình


Tác giả: Đỗ Phương Bình
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :