Quảng Ninh: Giải pháp thu hút khách du lịch Hồi giáo
Mới đây, tại TP. Hạ Long, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo (Du lịch Halal) đến Quảng Ninh”.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch Hồi giáo được xác định là thị trường tiềm năng, nằm trong nhóm thị trường mục tiêu cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới.
Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỷ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới. Riêng khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu người Hồi giáo. Họ rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới.
Khách Hồi giáo là dòng khách ngành du lịch Quảng Ninh ưu tiên hướng tới |
Những năm gần đây, số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt. Năm 2024, lượng khách du lịch Hồi giáo được dự đoán bằng mức 160 triệu khách của năm 2019 và xu thế sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Do đó, thị trường du lịch Hồi giáo tiếp tục được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với ngành du lịch thế giới.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nêu rõ, để thu hút khách Hồi giáo, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông; tiếp tục khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ.
Sau đại dịch Covid-19, các thị trường khách nước ngoài truyền thống của du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng có phần chững lại. Trong khi đó, du lịch Hồi giáo (ẩm thực Halal) lại có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và đây là dòng khách ngành du lịch Quảng Ninh ưu tiên hướng tới.
Theo thống kê, từ năm 2018 đến hết tháng 8 năm 2023, lượng khách du lịch Hồi giáo tới Quảng Ninh ước đạt gần 500 nghìn lượt. Khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh chủ yếu đến từ các quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và Trung Đông. Tiềm năng đón khách du lịch Hồi giáo của Quảng Ninh là rất lớn tuy nhiên lượng khách còn hạn chế, thời gian lưu trú của khách còn ngắn.
Trong đó, vấn đề truyền thông quảng bá, giới thiệu về du lịch Quảng Ninh đến với thị trường khách du lịch Hồi giáo còn nhiều hạn chế. Sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thị hiếu tiêu dùng cùng cơ sở hạ tầng phục vụ dòng khách này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức chính là rào cản trong việc triển khai đón khách Hồi giáo tại Quảng Ninh. Đặc biệt, thực trạng thiếu nguồn nhân lực, hướng dẫn viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn để phục vụ khách Hồi giáo là một trong những rào càn ngành du lịch của tỉnh cần phải vượt qua.
Quảng Ninh là thị trường du lịch tiềm năng đối với khách du lịch Halal |
Từ thực tiễn lượng khách Ấn Độ và Hồi giáo đến Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh đưa ra một số giải pháp để thu hút được khách Hồi giáo như: Tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh đến các thị trường khách du lịch Hồi giáo; phát triển hệ thống mạng lưới các chuyến bay thẳng tới Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo; nghiên cứu kết nối cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với các sân bay Ấn Độ và các quốc gia Hồi giáo; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt phù hợp với thói quen của họ, có các sản phẩm chứng nhận Halal và mời các chuyên gia Hồi giáo đào tạo đội ngũ người làm du lịch về văn hóa Hồi giáo.
Theo ông Atanu Dey, Giám đốc điều hành Công ty CCTT Global Việt Nam, Quảng Ninh là thị trường du lịch tiềm năng đối với khách du lịch Ấn Độ bởi nơi đây có di sản UNESCO Vịnh Hạ Long, cơ sở hạ tầng tốt. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa trong công tác marketing, giới thiệu điểm đến, tiềm năng du lịch đối với khách du lịch Hồi giáo nói chung và du khách Ấn Độ nói riêng.
Để mở rộng liên kết thị trường khách du lịch Hồi giáo tại Quảng Ninh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần triển khai những biện pháp cụ thể trong thời gian tới: "Các trung tâm đầu mối, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn của cả nước cần tổ chức những hội nghị chuyên đề bàn chuyên sâu về những giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp ở các trung tâm du lịch lớn này để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch Hồi giáo. Trên cơ sở đánh giá được nhu cầu mong muốn cũng như khả năng, tiềm năng, dư địa phát triển của thị trường khách này, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương cũng như các địa phương cần xây dựng những chính sách và tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch hành động hay những văn bản pháp lý để có thể triển khai đón khách quốc tế đến từ các nước Hồi giáo một cách hiệu quả, bền vững".
Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng được du khách Hồi giáo đánh giá rất cao bởi nền chính trị ổn định, kinh tế đang tăng trưởng tốt, nhiều sản phẩm có chứng nhận Halal, có nhiều danh lam thắng cảnh và có cộng đồng Hồi giáo sinh sống… Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để thu hút có hiệu quả thị trường khách quốc tế tiềm năng này cần một quá trình chuẩn bị và đầu tư lâu dài. Ở đó, các địa phương, cơ quan quản lý du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải hiểu rõ về văn hóa, hành vi và nhu cầu đặc biệt của khách du lịch Hồi giáo và Ấn Độ. Đặc biệt, du lịch Việt Nam phải cung cấp cho du khách những điều họ cần chứ không chỉ những gì chúng ta sẵn có.