Du lịch TP HCM chuyển mình (*): Giữ vị thế đầu tàu trong liên kết
TP HCM cần giữ vững vị trí trung tâm du lịch của cả nước và đi đầu trong liên kết vùng
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và nếu làm tốt du lịch không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho thành phố, giúp thành phố thể hiện vai trò đầu tàu của vùng và cả nước.
Tăng chuỗi tour, sản phẩm từ liên kết
Không phải ngẫu nhiên, tại Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2023 vừa diễn ra, có tới 2 hội nghị liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch giữa TP HCM với 8 tỉnh Đông Bắc; giữa thành phố với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được tổ chức.
Sở Du lịch TP HCM cho biết các hội nghị này không chỉ quảng bá các điểm đến ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc mà còn là dịp để doanh nghiệp (DN) tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư, khai thác và chung tay phát triển du lịch. Liên kết phát triển du lịch là xu thế tất yếu tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, không "đụng hàng", không trùng lắp giữa các địa phương, từ đó xây dựng sản phẩm, tour tuyến mới thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với hội nghị xúc tiến, một loạt DN du lịch trên cả nước tham gia Ngày hội Du lịch 2023 cùng đi khảo sát các tuyến điểm đặc trưng, đặc sắc của TP HCM, có kết nối với Tây Ninh. Sau khảo sát, các DN có thể nghiên cứu thêm sản phẩm du lịch mới, đa dạng lịch trình đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn ở thành phố.
Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết 8 tỉnh liên kết du lịch vùng Đông Bắc với TP HCM gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Hoạt động liên kết nhằm phát triển các chuỗi tour, tuyến du lịch giới thiệu, quảng bá các khu, điểm du lịch tiềm năng, thế mạnh sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Thống kê cho thấy chỉ riêng quý I/2023, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc trong chương trình liên kết với TP HCM đạt hơn 13 triệu lượt khách (trong đó có hơn 700.000 lượt khách quốc tế), thu nhập từ du lịch ước đạt hơn 27.000 tỉ đồng. "Các tỉnh trong vùng Đông Bắc, trong đó có Bắc Kạn, xác định việc liên kết là một trong những chìa khóa quan trọng, mang tính chiến lược, lâu dài trong phát triển du lịch của các địa phương. Liên kết du lịch là cơ hội lớn, là dịp để các tỉnh Đông Bắc bứt phá phát triển du lịch trong năm nay và các năm tiếp theo" - ông Nguyễn Đăng Bình nói.
Theo Sở Du lịch TP HCM, hiện tại thành phố vẫn chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế. Trong ảnh: Tàu biển Amadea cập cảng TP HCM hồi tháng 3-2023. Ảnh: BÌNH AN
Cần sản phẩm mới để tạo cú hích
Đáng chú ý, hoạt động liên kết du lịch không phải mới diễn ra mà từ vài năm trước, TP HCM đã đi đầu trong liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng ĐBSCL, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc mở rộng… Việc liên kết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đã góp phần giúp ngành du lịch thành phố phát triển ngày càng hiệu quả với nhiều sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo; hướng đến trao đổi khách 2 chiều thay vì chỉ đưa khách từ TP HCM đi các tỉnh; tạo thêm thị trường cho các điểm đến; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, chuyển đổi số.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá TP HCM có vị trí quan trọng, giữ vai trò đầu tàu, ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của các địa phương khác. Là trung tâm du lịch trọng điểm lớn nhất cả nước, TP HCM cần thể hiện vai trò tiếp nhận, phân phối khách quốc tế và nội địa đến và đi mọi miền Tổ quốc. "Du lịch thành phố cần tiên phong khẳng định vị thế, tạo sức lan tỏa tích cực đến các địa phương khác, góp phần đưa du lịch Việt Nam nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển bền vững" - ông Khánh nhấn mạnh.
Thực tế, du lịch TP HCM dù đã phục hồi đáng kể và đang tiếp tục có những tín hiệu khả quan nhưng vẫn chưa xứng tầm với vị thế và nguồn lực vốn có. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhìn nhận sự cạnh tranh của các thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước ngày càng mạnh mẽ. Cơ cấu thị trường khách du lịch của thành phố còn thiếu tính đa dạng, phụ thuộc vào một số thị trường ở khu vực Đông Bắc Á nhưng các thị trường này lại chậm mở cửa. Sản phẩm du lịch đường thủy vẫn còn thiếu bến thủy, cầu tàu, thành phố cũng chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế… "Thành phố chưa có các dự án có vai trò tạo cú hích cho du lịch phát triển và các tổ hợp vui chơi giải trí. Các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và chương trình nghệ thuật cộng đồng khai thác yếu tố văn hóa bản địa phục vụ du khách cũng rất ít" - bà Ánh Hoa nói.
Để tạo cú hích và tạo bước đột phá cho du lịch thành phố, Giám đốc Sở Du lịch cho hay nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là tập trung triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch TP HCM với mục tiêu tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm đặc trưng; quảng bá sản phẩm, điểm đến và thương hiệu cho du lịch thành phố…
Các chuyên gia và DN hiến kế thành phố cần tập trung nguồn lực để triển khai những việc cần làm ngay khả thi, trọng tâm, thay vì dàn trải. Tập trung vào chất lượng, nâng tầm những sự kiện trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc bằng cách lập kế hoạch cụ thể cho các lịch tổ chức những sự kiện, cố định lịch tổ chức hằng năm để DN có thể đưa vào sản phẩm, khai thác và chào bán cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sớm trình chiến lược phát triển du lịch
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Du lịch sớm trình chiến lược phát triển du lịch ngay trong tháng 4 này, đồng thời, trong chiến lược phải có kế hoạch cụ thể triển khai về sản phẩm, cơ sở hạ tầng, chính sách... Các sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch văn hóa hay du lịch kết hợp hội nghị (MICE)… đều cần tính toán và đo lường được; hay du lịch ẩm thực hoặc kinh tế đêm cũng cần phải tổ chức bài bản để khai thác chi tiêu của du khách.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-4