Vì đâu doanh nghiệp xây dựng làm ra 3,000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ có 10 tỷ?
Nguồn vốn eo hẹp, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn một quý đạt doanh thu đến 3,000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp trong chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".
Trao đổi về vấn đề nợ đọng xây dựng, ông Hiệp cho biết, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn (khoảng 90%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500 - 1,000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1,000 tỷ.
Trong khi đó, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng.
Do nguồn vốn eo hẹp, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9 - 10%/năm nên có những tập đoàn một quý trong năm 2022 đạt doanh thu đến 3,000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng.
"Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ", ông Nguyễn Quốc Hiệp trình bày.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phân loại các loại nợ đọng như sau gồm:
Thứ nhất là nợ công trình vốn đầu tư công: Các khoản nợ này chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.
Thứ hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách: Do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán, đặc biệt ở 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.
Theo đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất:
Thứ nhất, đối với vốn đầu tư công, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.
Thứ hai, đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.
Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư.
Ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia đề cập đến vấn đề nguồn vốn tín dụng và lãi suất. Theo chuyên gia, doanh nghiệp xây dựng đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp. Khi thực hiện các Hợp đồng xây dựng phần lớn doanh nghiệp chỉ được tạm ứng 10 - 15% giá trị hợp đồng nên khi thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công.
Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao.
Hiệp hội xin đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.