A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KSB - Triển vọng tăng trưởng còn khá lớn

CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HOSE: KSB) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, với vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sở hữu các mỏ đá trữ lượng lớn tại Bình Dương và Đồng Nai, gần khu vực đầu tư công trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam... Mô hình định giá cho mục tiêu trong dài hạn là mức 40,000 đồng.

Hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 352,054 tỷ đồng, bằng 49.4% kế hoạch năm và tăng 23.1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn kế hoạch cần thực hiện và giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn (khoảng 50%), nhiều bộ, cơ quan, địa phương khả năng không thực hiện hết số vốn được giao từ đầu năm nhằm đạt mục tiêu thực hiện và giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.

Ngày 18/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.

Khởi công các dự án trọng điểm khu vực phía Nam

Theo kế hoạch Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra trong năm 2023, giải ngân đầu tư công năm nay phải đạt ít nhất 95% trong hơn 700,000 tỷ đồng, trong đó có các dự án trọng điểm khu vực phía Nam như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Bắc - Nam; sân bay Long Thành… Như vậy, nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công rất lớn.

Bộ Giao thông Vận tải nhận định, nhu cầu về đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 21.5 triệu m3. Cụ thể hơn, dự án sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến sử dụng lần lượt 2.04 triệu m3 và 5.2 triệu m3 đá xây dựng.

Vị trí các dự án trọng điểm khu vực phía Nam gần khu vực mỏ đá của KSB

Nguồn: Google Maps

KSB có vị thế lớn trong ngành

Do đặc thù của ngành đá xây dựng là trữ lượng đá sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong tương lai phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là trữ lượng đá còn lại và thời hạn khai thác các mỏ đá.

Ảnh hưởng tiếp theo là chi phí vận chuyển, thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy - có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.

Chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng. Do đó, hầu hết các nhà thầu xây dựng sẽ chọn mỏ đá gần dự án. Đây chính là cơ hội để KSB có thể khai thác đá, tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.

So sánh mỏ đá các công ty niêm yết trong ngành

(Đvt: m3/năm)

Nguồn: VietstockFinance

Với công suất hoạt động của KSB, nếu so với các công ty trong ngành hiện tại, chỉ đứng sau VLB. Hiện KSB cũng đang nắm giữ cổ phần của công ty này, giúp củng cố thêm thị phần trên thị trường. Đây là doanh nghiệp sở hữu nhiều mỏ đá tại Đồng Nai với trữ lượng và công suất khai thác lớn, giúp KSB hưởng lợi và tăng trưởng lợi nhuận từ việc góp vốn vào VLB.

Về định hướng đầu tư vào CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB), KSB có kế hoạch cân đối nguồn vốn hiện hữu, cũng như huy động thêm nguồn vốn mới thông qua việc phát hành cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại VLB.

Kể từ năm 2018, công ty đã đạt được kế hoạch mang lại doanh thu từ việc đầu tư khai thác quỹ đất Khu công nghiệp Đất Cuốc - Tân Uyên. Với tỷ lệ tăng trưởng cao trong các năm gần đây, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, nguồn doanh thu từ mảng cho thuê bất động sản khu công nghiệp đã chiếm trọng số không hề nhỏ; thậm chí doanh thu mà công ty công bố trong báo cáo tài chính bán niên 2023 cho thấy doanh thu từ việc cho thuê quỹ đất Khu công nghiệp Đất Cuốc - Tân Uyên còn cao hơn so với nguồn doanh thu chính của công ty là khai thác vật liệu xây dựng.

Đối với tiến độ mở rộng khu công nghiệp, việc mở rộng giai đoạn 1 đã thực hiện cho thuê gần hết (hơn 90%). Mở rộng giai đoạn 2 đang được thực hiện.

Định giá cổ phiếu

Sử dụng phương pháp Market Multiple Models (P/E và P/B), ta có mức định giá KSB lần lượt là 50,321 đồng và 29,732 đồng. Cả 2 đều lấy tỷ trọng bằng nhau, sẽ được mức định giá hợp lý KSB là 40,027 đồng.

Như vậy, giá cổ phiếu hiện tại vẫn còn khá hợp lý, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua và nắm giữ cho mục tiêu dài hạn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :