A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp dệt may thắng lớn trong quý 3 nhưng lo “hụt hơi” cuối năm

Các doanh nghiệp dệt may đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2022 với nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ. Dự báo quý còn lại của năm, bức tranh kém sắc hơn khi lượng đơn hàng đang sụt giảm mạnh cùng sự cạnh tranh gay gắt về giá.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Tổng cục Hải quan, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của ngành dệt đạt 35 tỷ USD, tăng trưởng 21.6% so với cùng kỳ năm 2021. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu 3.8-3.9 tỷ USD. 10 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê công bố xuất khẩu dệt may, xơ sợi, nguyên phụ liệu đã đạt 37.8 tỷ USD.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2012-2022

Nguồn: Hiệp hội dệt may Việt Nam, VietstockFinance

Thống kê từ dữ liệu VietstockFinance, trong tổng số 19 doanh nghiệp dệt may trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022, có 13 doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng trưởng, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp báo lỗ.

Tổng doanh thu và lãi sau thuế của doanh nghiệp dệt may đạt được trong quý 3/2022 là 17,256 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và 956 tỷ đồng, tăng 64%.

Nếu như quý 3/2021 rơi vào 3 tháng phong tỏa do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp may gặp nhiều bất lợi, quý 3 năm nay các doanh nghiệp này đều có lãi và hoạt động sản xuất ổn định.

Đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3 là Tổng Công ty May Nhà Bè (UPCoM: MNB) với lãi sau thuế đạt hơn 49 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ. Công ty cho biết, do từ đầu năm 2022 đến nay, dịch COVID-19 được kiểm soát, giúp khôi phục thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty.

Liền sau đó là CTCP Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UPCoM: SGI) với lãi sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số chỉ ở mức 2.6 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 19 lần cùng kỳ.

Hay như CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL), CTCP Everpia (HOSE: EVE), May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG) cũng đồng loạt báo lãi tăng bằng lần.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi sau thuế tăng trưởng trong quý 3/2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cũng ghi nhận kết quả khả quan với lãi sau thuế đạt 92.5 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với mức lỗ 2.5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

Theo TCM, lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng mạnh so với kết quả lỗ cùng kỳ là do Công ty tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh và kiểm soát tốt chi phí. Cùng kỳ năm ngoái, hoạt động kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 khiến năng suất lao động thấp và chi phí hoạt động tăng cao.

Thêm một doanh nghiệp dệt may thoát lỗ là Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (UPCoM: VGG) với con số đạt hơn 60 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý 3, cùng kỳ lỗ gần 32 tỷ đồng.

Khép lại 9 tháng đầu năm 2022, hiện đã có 9/19 doanh nghiệp dệt may công bố vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. “Ngôi vương” thuộc về SGI sau khi vượt 200% kế hoạch lợi nhuận năm. Ngoài ra, góp mặt trong danh sách còn có những cái tên lớn như VGT, GIL

Trong khi đó, có 3 doanh nghiệp chưa thực hiện được 75% mục tiêu lợi nhuận 2022 là MSH, HSMTDT. Đáng lo hơn cả là GMCMPT vẫn còn bỏ ngỏ khả năng hoàn thành kế hoạch đã đề ra, khi cả hai còn ôm lỗ lũy kế 9 tháng 2022.

Tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2022 của các doanh nghiệp dệt may
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance
(*) Thực hiện kế hoạch lãi trước thuế

Những nét buồn do ảnh hưởng từ tỷ giá

Trái với phần lớn doanh nghiệp có lãi tăng trưởng, lợi nhuận sau thuế của “ông lớn” Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) lại tụt dốc 38% so với cùng kỳ, chỉ thu về 176 tỷ đồng trong quý 3.

Theo Vinatex, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành sợi, giá nguyên liệu bông tăng liên tục ở mức cao. Tuy nhiên, bước sang quý 3, giá bông giảm sâu, cầu thị trường giảm làm giá sợi giảm. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đưa vào sản xuất cao do các doanh nghiệp phải mua bông trước để phục vụ sản xuất làm ảnh hưởng tới hiệu quả của các doanh nghiệp sợi.

Mặt khác, việc tăng lãi suất của Fed khiến tỷ giá tăng mạnh. Các doanh nghiệp của Tập đoàn chủ yếu vay USD để hoạt động sản xuất, kinh doanh nên tỷ giá tăng cao làm phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá lớn khi đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ.  Những nguyên nhân này khiến cho Tập đoàn có một kỳ kinh doanh khá kém sắc.

Thê thảm hơn, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh trong khi phải chuyển gia công may trong nước và năng suất chưa đạt theo lộ trình đã khiến CTCP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) ôm lỗ gần 11 tỷ đồng trong quý 3/2022.

Tương tự, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM) cũng ngậm ngùi với kết quả lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 10.5 tỷ đồng. Công ty cho biết do nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy, kế hoạch sản xuất bị thay đổi cùng nhiều đơn hàng nội địa nhỏ lẻ dẫn đến năng suất thấp.

Song song là, tình hình thị trường hết sức khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào (bông) tăng cao, trong khi giá bán sợi giảm sâu, nhu cầu thị trường rất yếu. Các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do thay đổi chính sách của NHNN, tỷ giá USD tăng đều là những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Công ty thua lỗ trong quý 3.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi sau thuế giảm và thua lỗ trong quý 3/2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Bức tranh cuối năm không mấy tươi sáng

Trong báo cáo ngành dệt may quý 4/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)  cho biết, nhu cầu giảm và chu kỳ tồn kho kéo dài sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc trong năm 2023 hoặc sẽ có ảnh hưởng từ quý 4/2022.

Theo VDSC, đơn đặt hàng may mặc đã chậm lại trong quý 3/2022 do tác động tiêu cực vì lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, cùng với đó là lượng hàng tồn kho cao phía khách hàng đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may.

Cùng đưa ra nhận định tương tự, tại báo cáo cập nhật về ngành dệt may tháng 10/2022, Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá bức tranh trong quý 4/2022 của ngành dệt may không mấy tươi sáng. Thậm chí, tình hình không mấy khả quan cho 6 tháng đầu năm 2023.

SSI Research dẫn số liệu cập nhật từ các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022 tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :