A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến lúc doanh nghiệp mía đường nếm lại “vị ngọt”?

Hơn một năm kể từ ngày Bộ Công Thương áp thuế với đường nhập khẩu (6/2021), kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành đường trong niên vụ 2021-2022 đã khởi sắc trở lại. Chuỗi ngày khó khăn của ngành đường đang dần lùi xa để vị ngọt thế chỗ?

Những nốt trầm của ngành đường

Nhìn lại vụ mùa 2012-2013, ngành mía đường bước vào thời kỳ khó khăn khi nguồn cung đường trong nước lớn hơn nhu cầu tiêu thụ, gây áp lực khiến đường giảm giá. Không những vậy, giá đường trong nước còn chịu áp lực giảm giá từ giá đường thế giới. Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp ngành đường giai đoạn này giảm sâu.

Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đường niêm yết qua các năm

* Các công ty lấy niên độ từ 01/07 đến 30/06 năm sau
* Nguồn: VietstockFinance

Tình hình dần hồi phục, đến vụ mùa 2016-2017, ngành mía đường đạt đỉnh lợi nhuận. Niên độ 2017-2018, ngành mía đường lại rơi vào điểm trũng với khó khăn chồng chất. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, tính đến tháng 9/2019, cả nước tồn kho khoảng 650,000 tấn đường, mức tồn kho kỷ lục. Đường Việt Nam tồn kho, không bán được bởi gian lận thương mại khi đường nhập lậu từ Thái Lan tràn qua, giá rẻ, gây tổn thất lớn.

Theo báo cáo của Tổ chức mía đường quốc tế (ISO), chỉ tính riêng hai nước lân cận Việt Nam là Lào và Campuchia thì lượng đường xuất khẩu không rõ nguồn gốc trong 5 năm (2015-2019), đã tăng đột biến lên khoảng từ 490,000-890,000 tấn/năm, tương đương 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước.

Việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Năm 2018, con số thiệt hại mà VSSA ước tính đã lên tới 2,000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (2021), tổng diện tích trồng mía vụ 2019-2020 đạt 182,599ha, giảm 18.4% so với vụ 2018-2019 (223,847ha). Đến vụ 2020-2021, dù đã có nhiều biến chuyển tích cực từ thị trường, diện tích vùng nguyên liệu chỉ còn 127,446ha, giảm hơn 30%.

Nước đi chống đường lậu

Đến tháng 2/2021, sau 5 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã đánh giá thiệt hại của ngành đường trong nước và áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời 48.88% đối với đường từ Thái Lan.

Đến tháng 6/2021, Bộ Công Thương chính thức ban hành và áp dụng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên sản phẩm đường từ Thái Lan với tổng mức thuế đạt 47.64% trong vòng 5 năm.

Sau khi bị áp thuế, đường Thái Lan tránh thuế bằng cách chuyển đường có nguồn gốc từ Thái Lan sang 5 nước ASEAN là Lào, Campuchia, Indonesia và Myanmar để vào Việt Nam. Tháng 09/2021, Bộ Công Thương có quyết định điều tra về việc lẩn tránh này và có kết luận đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN né thuế, gây thiệt hại rõ ràng đối với ngành đường nội địa.

Đến ngày 01/08/2022, Bộ Công Thương chính thức ban hành Quyết định 1514/QĐ-BCT, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN.

Theo đó, đường mía của các quốc gia này sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan - mức thuế 47.64%, từ ngày 09/08/2022 đến 15/6/2026.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu, về ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận, về dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Doanh nghiệp đường kỳ vọng hồi phục

Trong khi thị trường trong nước đã được bảo vệ trước tình trạng bán phá giá, gian lận thương mại cùng với đà tăng của giá đường thế giới, dường như các doanh nghiệp mía đường Việt Nam cũng đã bước qua giai đoạn khó khăn.

Theo báo cáo kinh doanh niên độ 2021-2022 (01/07/2021-30/06/2022), một số doanh nghiệp mía đường đã chuyển biến tốt, ghi nhận mức tăng khá tích cực ở tất cả các chỉ tiêu.

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) tính chung cả niên độ, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 18,325 tỷ đồng, tăng gần 23% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1,002 tỷ đồng, tăng 28%. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp đầu ngành mía đường đạt lợi nhuận trên ngàn tỷ trong một niên độ kể từ khi hoạt động. Lãi sau thuế đạt 818 tỷ đồng, tăng hơn 167 tỷ đồng, tương ứng tăng 26%.

Doanh thu cả niên độ của một số doanh nghiệp mía đường. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Với Mía Đường Sơn La (HNX: SLS), Công ty có doanh thu thuần đạt 869 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cũng tăng nhẹ, cùng với việc tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính đã giúp lợi nhuận sau thuế của SLS tăng 14.5%, lên hơn 187.6 tỷ đồng.

Mía Đường Lam Sơn (HOSE: LSS) ghi nhận doanh thu niên độ 2021-2022 hơn 2,041 tỷ đồng, tăng 11% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 96%, lên gần 45 tỷ đồng.

Ngược lại, Đường Kon Tum (HNX: KTS) là doanh nghiệp mía đường duy nhất trong nhóm công bố BCTC hợp nhất năm tài chính 2021 có kết quả kinh doanh không như kỳ vọng.

Cụ thể, lũy kế đến cuối niên vụ, KTS ghi nhận doanh thu đi lùi, giảm gần 29% so với cùng kỳ, xuống 176 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cả niên độ của Công ty cải thiện từ mức 11.2% lên 16% đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 41%, lên hơn 8 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp ngành mía đường. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Trong năm 2021, mảng đường của Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) cũng có sự đột biến với doanh thu đạt gần 1,584 tỷ đồng, tăng 59.3% so với năm 2020; lợi nhuận gộp đạt hơn 371.6 tỷ đồng, cao gấp 11.7 lần. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu về mảng đường của QNS đạt hơn 842 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với nửa đầu năm 2022 và lợi nhuận gộp hơn 108 tỷ đồng, giảm 24.6%.

Riêng về QNS, đây là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính là sữa đậu nành, mảng đường chỉ chiếm 20% doanh thu thuần và 15% lợi nhuận gộp cả Công ty.

Kỳ vọng giá đường tăng trong nửa cuối năm 2022

Tại Báo cáo ngành đường, công bố ngày 21/07/2022, VCBS dẫn số liệu cho biết niên vụ 2020-2021 là niên vụ có sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua. Trong số 41 nhà máy thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động. Tại một số địa phương, người dân bỏ mía, không chăm, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm.

Nguyên nhân, ngoài yếu tố thời tiết thì do giá đường các vụ trước đó xuống thấp vì sự cạnh tranh quyết liệt của đường giá rẻ từ Thái Lan và đường nhập lậu, gian lận thương mại.

Cùng quan điểm, VSSA nhận định giá đường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại và đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả, giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Ngược lại, nếu việc kiểm soát đường nhập lậu không hiệu quả, giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Theo VSSA, mặc dù từ đầu năm đến nay, giá đường trong nước có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao trong vòng 5 năm qua (giá đường tại các nhà máy ở mức 17,250-17,700 đồng/kg).

VSSA kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới. Theo đó, giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19,000-20,000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :