Đằng sau việc TSMC đàm phán xây nhà máy chip đầu tiên ở châu Âu
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đang trong quá trình đàm phán trước với các nhà cung cấp chính về việc xây dựng nhà máy tiềm năng đầu tiên ở châu Âu, nhằm tận dụng nhu cầu chip đang bùng nổ trong ngành công nghiệp ô tô của khu vực.
TSMC sẽ cử một nhóm giám đốc cấp cao tới Đức vào đầu năm tới để thảo luận về mức độ hỗ trợ của chính phủ dành cho nhà máy tiềm năng này, cũng như để tìm hiểu năng lực của chuỗi cung ứng tại địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của TSMC, theo các nguồn thạo tin. Đây sẽ là chuyến đi thứ hai trong 6 tháng qua của các giám đốc TSMC.
Công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới dự định xây nhà máy ở thành phố Dresden của Đức. Quyết định cuối cùng về việc có đầu tư hàng tỷ đô la để xây dựng nhà máy mới ở châu Âu hay không sẽ được đưa ra ngay sau chuyến thăm này. Nếu thuận lợi, nhà máy mới có thể được bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2024.
Năm ngoái, TSMC được khách hàng yêu cầu xem xét xây dựng một nhà máy ở châu Âu, nhưng họ đã tạm dừng cuộc đánh giá ban đầu sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu ngày càng có nhu cầu sử dụng nguồn cung chip được sản xuất trong nước, và điều này khiến TSMC phải xem xét lại ý tưởng này, các nguồn tin giấu tên cho hay.
Nếu TSMC quyết định xây dựng nhà máy ở Đức, đây sẽ là động lực lớn cho Liên minh châu Âu để giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu chất bán dẫn từ châu Á. Đầu năm nay, Brussels đã phê duyệt khoản trợ cấp trị giá 43 tỷ EUR để thu hút các nhà sản xuất chip đến châu Âu.
Cuộc đàm phán của TSMC với một số nhà cung cấp vật liệu và thiết bị tập trung vào việc liệu họ có thể thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để hỗ trợ nhà máy của TSMC hay không, theo các nguồn tin.
Nếu TSMC xúc tiến xây dựng nhà máy ở Dresden, họ sẽ tập trung vào các công nghệ chip 22 nanomet và 28 nanomet, tương tự những gì họ dự định sản xuất tại nhà máy mà đang phát triển cùng với Sony ở Nhật Bản. Nanomet đề cập đến kích thước của mỗi bóng bán dẫn trên một con chip, nanomet càng nhỏ, chất bán dẫn càng mạnh mẽ và tiên tiến.
Tuy nhiên, TSMC sẽ phải cân nhắc xem việc xây dựng một nhà máy ở Dresden có gây quá nhiều căng thẳng cho lực lượng lao động của mình hay không. Nhà sản xuất chip này đã cử vài trăm kỹ sư đến hỗ trợ các nhà máy mới mà họ đang xây dựng ở Mỹ và cho biết họ sẽ cần tuyển thêm 500 - 600 kỹ sư để giúp thiết lập nhà máy ở Nhật Bản.
Châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm khoảng 6% doanh số bán hàng của TSMC, một phần nhỏ so với con số 65% mà công ty tạo ra từ Bắc Mỹ.
Người phát ngôn của TSMC nói rằng không loại trừ khả năng nào liên quan đến kế hoạch xây dựng nhà máy tiềm năng ở Dresden.
Sản xuất chip là một quy trình phức tạp dựa trên hơn 50 loại thiết bị, chẳng hạn như máy in thạch bản và máy khắc, và hơn 2,000 vật liệu, bao gồm cả hóa chất và khí công nghiệp.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ khách hàng của mình. Chúng tôi sẽ không để họ đi một mình trong sa mạc", giám đốc điều hành của một công ty sẽ cung cấp nguyên liệu chính cho nhà máy ở Dresden cho biết. Người này cho biết thêm rằng họ sẽ cần có sự hỗ trợ chính phủ.
Việc mở rộng ra nước ngoài của TSMC diễn ra khi các nhà sản xuất chip toàn cầu như Intel và Samsung đang chạy đua mở rộng công suất. Ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cam kết đầu tư ít nhất 380 tỷ USD trong thập kỷ tới để xây dựng các nhà máy mới ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ireland và Israel.
Chi phí năng lượng và lạm phát cao hơn đã khiến tập đoàn chip Intel của Mỹ phải tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ chính phủ Đức cho kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ euro ở thành phố Magdeburg phía đông. Intel vẫn cam kết đầu tư vào châu Âu nhưng nhà máy Magdeburg phải có tính cạnh tranh lớn, theo nguồn thạo tin.
Tại Mỹ, Đạo luật Chips, được đề xuất vào năm 2020 và được Quốc hội thông qua vào năm 2021, đã kích hoạt dòng vốn tư nhân trị giá khoảng 200 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip của nước này, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.
Tốc độ mở rộng như vậy đã đặt ra câu hỏi về nguy cơ dư thừa chip nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Nhưng với dự báo thị trường chất bán dẫn toàn cầu sẽ đạt giá trị 1,000 tỷ USD vào năm 2030, các nhà sản xuất chip phải quyết định ngay từ bây giờ về cách họ sẽ đáp ứng nhu cầu dự kiến đó, vì họ phải mất nhiều năm để xây dựng một nhà máy.