Đại gia ngành cao su GVR "gánh team" tuần qua
Hai chỉ số thị trường trở lại tăng điểm trong tuần 11-15/03/2024. Cụ thể, VN-Index tăng 1.32% so với cuối tuần giao dịch trước, lên mức 1,263.78 điểm. HNX-Index tăng 1.36%, kết thúc tuần ở mức 239.54 điểm.
Trái ngược đà tăng điểm, thanh khoản trên hai sàn tuần qua sụt giảm so với tuần giao dịch trước. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên giảm 12.5% xuống 983.8 triệu cp/phiên. Tại HNX, thanh khoản trung bình giảm nhẹ 2.5% về mức 114.6 triệu cp/phiên.
Tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin đáng chú ý trong nước như sáng 14/03, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong 4 phiên qua (11-14/03), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tổng cộng gần 60,000 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất đấu thầu cùng ở mức 1.4%/năm
Ở quốc tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 2 tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 3.2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0.6% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0.3% của các chuyên gia và vượt mức 0.3% của tháng 1. Đây cũng là một lời cảnh báo rằng lạm phát vẫn còn là vấn đề nhức nhối với nền kinh tế Mỹ.
Xét về mức độ ảnh hưởng, “ông lớn” cao su GVR là nhân tố đóng góp lớn nhất tới hơn 5.7 điểm cho VN-Index. Tuần qua, mã này ghi nhận 5 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó 1 phiên tăng kịch trần và đồng thời xác lập mức giá cao nhất trong hơn 2 năm.
Đóng cửa ngày 15/03, thị giá GVR tăng 5.49% lên mức 34,600 đồng/cp, khớp lệnh 5.68 triệu đơn vị. Tính riêng tuần qua, mã này tăng hơn 19% và tăng gần 140% trong 1 năm qua.
Gần đây, GVR đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 29/03 với nhiều nội dung quan trọng. Nổi bật tờ trình về kế hoạch 2024 đi ngang với doanh thu 25,000 tỷ đồng và lãi trước thuế 4,101 tỷ đồng, nhưng GVR dự kiến “dốc hầu bao” chi trả cổ tức 3% bằng tiền mặt, tương ứng chi ra khoảng 1,200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng dự kiến chuyển nhượng vốn tại loạt doanh nghiệp đang niêm yết, bao gồm cả CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP) - một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất tại miền Nam.
Tiếp theo đó là cặp đôi lớn FPT và GAS đóng góp lần lượt hơn 1.9 điểm và 1.6 điểm cho chỉ số.
Thông tin chú ý tại FPT, Tập đoàn này lần đầu lên kế hoạch lãi trước thuế vượt 10,000 tỷ đồng trong năm 2024, đồng thời dự kiến trả cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 10% ngay trong quý 2/2024 và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%. Tất cả các phương án này sẽ được trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua vào ngày 10/04.
Đối với nhóm ngân hàng, có 2 cổ phiếu biểu hiện tích cực tuần qua là BID và VIB, kéo tăng lần lượt 1.6 điểm và 0.6 điểm cho chỉ số. Tuy nhiên, có 4/10 cổ phiếu cổ phiếu tiêu cực nhất thuộc nhóm cổ phiếu “vua”, bao gồm VCB, VPB, LPB và SHB. Số cổ phiếu này lấy đi của chỉ số hơn 2.7 điểm, riêng “anh cả” VCB kéo giảm 1.5 điểm - cao nhất cả sàn.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index từ ngày 11-15/03/2024 (tính theo điểm) | ||
Rổ VN30 chứng kiến sự cân bằng ở 2 nhóm kéo tăng và kéo giảm. Trong khi nhóm kéo tăng góp mặt 14 cổ phiếu thì nhóm kéo giảm ghi nhận 16 cổ phiếu. Áp đảo nhóm kéo tăng là FPT đóng góp gần 6.5 điểm, ngược lại VPB dẫn đầu nhóm kéo giảm với gần 1.6 điểm.
Nhóm cổ phiếu kéo tăng chỉ số VN30-Index từ ngày 11-15/03/2024 (tính theo điểm) | ||
Nhóm cổ phiếu kéo giảm chỉ số VN30-Index từ ngày 11-15/03/2024 (tính theo điểm) | ||
Đối với HNX-Index, nguyên nhân khiến chỉ số trở lại tăng điểm chủ yếu đến từ 4 cổ phiếu IDC, VCS, SHS và MBS đóng góp từ 0.4-0.5 điểm mỗi mã. Phía bên kia, PRE là cổ phiếu dẫn đầu nhóm này nhưng chỉ kéo giảm 0.1 điểm.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số HN-Index từ ngày 11-15/03/2024 (tính theo điểm) | ||