Chủ thương hiệu Vang Đà Lạt đang kinh doanh ra sao?
Ladofoods, là một trong những doanh nghiệp sản xuất rượu vang đầu tiên ở Việt Nam, nổi tiếng với sản phẩm Vang Đà Lạt, xuất khẩu nhiều thị trường và có sức cạnh tranh với nhiều loại thức uống có cồn nhập khẩu. Thế nhưng, những biến số khó lường đã khiến Ladofoods gặp vô vàn khó khăn nhiều năm qua.
Kết quả kinh doanh đi qua đỉnh cao
ĐHĐCĐ 2023 của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods, HNX: VDL) thông qua kế hoạch với số liệu tiếp tục ảm đạm, doanh thu 212.3 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 9.3 tỷ đồng. HĐQT nhận định, 2023 vẫn là năm khó khăn, doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn chưa thể trở lại mức dương do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm điều tồn kho nhiều từ năm 2022 đến nay trong khi giá bán trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Trước tình hình khó khăn, đại hội cũng quyết định không trả cổ tức năm 2022 mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây đã là năm thứ 4 liên tiếp VDL không chia cổ tức cho cổ đông.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh của Ladofoods rơi vào giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng bắt đầu từ năm 2018. Trước đó, công ty trải qua thời kỳ vàng son kéo dài hơn 10 năm.
Kết quả kinh doanh của VDL qua các năm Nguồn: VietstockFinance |
Giai đoạn vàng son, VDL liên tục gặt hái nhiều thành công. Công ty chiếm hơn 60% thị phần vang sản xuất trong nước. Sản phẩm của Ladofoods từng được sử dụng tại kỳ Apec 2006 và 2017, hơn 30 ngàn điểm bán hàng trên cả nước; xuất khẩu đi nhiều thị trường Á, Âu, Mỹ…
Doanh thu từ 2006 - 2011 tăng trưởng mạnh mẽ với CAGR đạt 22% và giai đoạn 2013 - 2017 với CAGR đạt 20%, qua đó xác lập mức đỉnh doanh thu lịch sử 586.8 tỷ đồng. Lãi ròng cũng ghi nhận đà tăng mạnh mẽ, động lực chính từ kinh doanh rượu vang và sản suất nhân hạt điều.
Năm 2016 đánh dấu sự chuyển mình của VDL khi hoàn tất quá trình di dời nhà máy rượu tại Ngô Văn Sở về nhà máy Ladora Winery. Quy mô Ladora Winery gồm nhà làm vang nằm trên khuôn viên 5ha đặt tại Điểm công nghiệp Phát Chi, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng nho nguyên liệu chuẩn quốc tế rộng 20ha tại Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Được biết, nhà làm vang Ladora Winery nằm trên địa điểm cao nhất tại Đà Lạt, khí hậu mát mẻ quanh năm giúp việc ủ và lên men rượu vang tối ưu hơn.
Nhà máy Ladora Winery, TP. Đà Lạt |
Vùng nho nguyên liệu tại tỉnh Ninh Thuận |
Tuy nhiên, nhiều biến số khiến kết quả kinh doanh của VDL chệch hướng. Trước những khó khăn trong sản xuất kinh doanh điều, kết quả kinh doanh 2018 sụt giảm nghiêm trọng và kéo theo chuỗi ngày tồi tệ sau đó. Giá nguyên liệu đầu vào cao do ảnh hưởng từ năm 2017, trong khi giá đầu ra biến động bất thường, liên tục giảm mạnh.
Giai đoạn sau đó, khó khăn tiếp tục bủa vây sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 rơi đúng vào giai đoạn bán hàng cao điểm của ngành rượu bia (tết Nguyên đán) như một đòn đánh mạnh vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của VDL là rượu vang.
Không dừng lại, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hầu hết lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch, nhà hàng, sức tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, sự thay đổi và lựa chọn thực phẩm có cồn ngày càng đa dạng, bị ảnh hưởng bởi du nhập văn hóa tiêu dùng từ các nước khác với sản phẩm như bia craft, bia phối hương, rượu Hàn Quốc, rượu Nhật Bản... Từ đó, làm giảm doanh thu rượu vang của VDL.
Ở mảng điều, năm 2019, dù thị trường đã có tín hiệu khả quan hơn năm 2018, nhìn chung tình trạng cung vượt cầu vẫn diễn ra trên thế giới, dẫn đến giá bán bị ảnh hưởng. Tính trong năm 2019, doanh thu VDL giảm 35% so với năm trước. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của công ty kể từ khi niêm yết.
Giai đoạn sau đó, kết quả kinh doanh của VDL tiếp tục khó khăn và lần đầu tiên Công ty hứng chịu lợi nhuận âm trong năm 2022. Doanh thu 189.3 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước; lỗ ròng 16.3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 3.3 tỷ đồng. Mảng kinh doanh rượu tiếp tục sụt giảm do sức mua giảm, đồng thời mảng điều vẫn gặp khó khăn do giá bán giảm trong khi đầu vào bị tác động mạnh do tỷ giá USD tăng.
Lượng khách du lịch đến Đà Lạt trước và sau dịch COVID-19 Nguồn: Báo Lâm Đồng |
Thay đổi chủ sở hữu
Những năm gần đây, cơ cấu cổ đông VDL nằm dưới sự kiểm soát của CTCP Megram. Hiện Megram nắm 51% vốn Ladofoods, tiếp đến là Vilico (UPCoM: VLC) với 38.3%.
Ngoài ra, dàn lãnh đạo VDL cũng đều có liên quan đến Megram. Cụ thể, bà Đinh Thị Mộng Vân - Chủ tịch HĐQT VDL đang là Phó Tổng giám đốc Megram. Ông Đỗ Thành Trung - Tổng giám đốc VDL đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Megram.
Sự kiểm soát của Megram bắt nguồn từ “cuộc chiến vương quyền” năm 2015. Trước thời điểm này, cổ đông lớn nhất của VDL là CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất. Sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, CTCP Elmich (tên cũ của CTCP Megram) đã được chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu Ladofoods lên đến 51% số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu.
Việc Elmich vượt lên, trở thành cổ đông lớn nhất, không phải là điều bất ngờ khi trước đó một số cổ đông cá nhân liên quan tới Elmich cũng đang nắm giữ cổ phần VDL. Cụ thể, tính đến 31/12/2014, ông Đỗ Thành Trung - Chủ tịch HĐQT VDL đồng thời cũng là Giám đốc Elmich nắm giữ 4.66% cổ phần và bà Nguyễn Thị Hồng Út (vợ ông Trung) là 1 trong 3 cổ đông lớn, nắm 21.7% vốn.
Megram xuất hiện với nhiều mục tiêu tham vọng, nhưng chỉ duy trì sự tăng trưởng đến năm 2017, trước khi những khó khăn ập đến.
Tại đại hội 2023 vừa qua, cấu trúc thượng tầng của VDL một lần nữa biến động. Bà Lê Thúy Hằng rời HĐQT; ông Nguyễn Công Lâm, từng là Thành viên HĐQT điều hành kiêm Tổng giám đốc Dapharco (UPCoM: DDN), gia nhập HĐQT VDL.
Ngoài ra, Công ty cũng quyết định sáp nhập Công ty TNHH Chế biến Điều Xuất khẩu Lâm Đồng. Trước đó, vào văn 2015, một công ty con khác của VDL là Công ty TNHH MTV Ladofoods tách khỏi công ty mẹ, về tay sở hữu của cá nhân khác.
Vùng vẫy thoát khỏi khó khăn
Trước những khó khăn liên tiếp từ trong lẫn ngoài doanh nghiệp, VDL vẫn ra mắt sản phẩm rượu vang mới với tần suất cao hơn và có động thái cơ cấu lại sản phẩm khi dịch chuyển tăng tỷ trọng các dòng sản phẩm trung, cao cấp.
Ngoài ra, VDL còn tận dụng khuôn viên hơn 5ha của Công ty tại Phát Chi, Đà Lạt để khai trương hầm vang Đà Lạt theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, nhằm thực hiện dự án du lịch trong năm 2019, kỳ vọng kích thích du lịch Đà Lạt và hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh rượu vang.
Tuy nhiên, thành quả dường như vẫn chưa đến. Bên cạnh kết quả lún sâu, VDL còn nhiều dự định vẫn dang dở như nâng sản lượng sản xuất và tiêu thụ rượu từ 2.5 - 3 triệu lít/năm lên 5 triệu lít/năm và mở rộng vùng nguyên liệu từ 25ha lên 100ha (mức tối đa tại Ladora Winery). Trước đó, năm 2016, công ty đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận mở rộng dự án lên 300ha (100ha của Công ty và 200ha do nông dân Ninh Thuận triển khai với sự hỗ trợ của Công ty) nhưng khả năng đưa kế hoạch này thành hiện thực vẫn còn bỏ ngỏ.
Điểm tích cực của VDL là những năm qua, tỷ lệ nợ phải trả trên tổ
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giai đoạn 2018 - 2020 của VDL Nguồn: VietstockFinance |
ng tài sản duy trì ở mức thấp, còn 10% trong năm 2022 tức mức rất thấp so với thời điểm năm 2006 lên đến 50%. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản có xu hướng giảm dần, duy trì thấp so với quá khứ kể từ năm 2017.
Cơ cấu tài sản của VDL giai đoạn 2006 - 2022 Nguồn: VietstockFinance |
VDL từng có giai đoạn kinh doanh liên tục tăng trưởng cùng quy mô vốn và tài sản. Giá cổ phiếu có thời điểm chạm mốc 35,060 đồng/cp (08/06/2017) vào giai đoạn cực thịnh. Tuy nhiên sau đó cổ phiếu bắt đầu trượt dài, có lúc đã bốc hơi 63%, chỉ còn 12,900 đồng/cp (29/06/2023).
|