A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Camimex Group lỗ lũy kế sau soát xét, cổ đông ảnh hưởng thế nào?

BCTC soát xét bán niên 2024 của CTCP Camimex Group (HOSE: CMX) “đột ngột” hạch toán lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 110 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập quý 2 trước đó vẫn ghi hơn 144 tỷ đồng.

Nguồn: CMX

Công ty con đang lỗ lũy kế?

Khoản lãi tích lũy trước nay của doanh nghiệp thủy sản có trụ sở tại tỉnh Cà Mau bất ngờ âm số tiền lớn, nhưng tổng giá trị vốn chủ sở hữu không biến động.

Phần “vốn khác của chủ sở hữu” theo đó tăng thêm hơn 241 tỷ đồng, trích toàn bộ từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, được CMX ghi với mục đích “tăng vốn ở công ty con”.

Theo tìm hiểu, đây là lượng cổ phiếu công ty con Camimex (UPCoM: CMM) phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, hơn 241 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ sở hữu 76.7% của CMX. Nhưng trong khi công ty con thực hiện và hạch toán ngay trong năm 2023 thì BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2024 của CMX mới được nêu ra.

Kiểm toán và Tư vấn A&C – đơn vị thực hiện kiểm toán BCTC năm 2023 của CMX – trước đó cho biết, việc CMX trình bày hơn 241 tỷ đồng nói trên trong phần “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” thay vì đưa vào chỉ tiêu “vốn khác của chủ sở hữu” là theo đúng quy định.

Như vậy, phần lợi nhuận giữ lại âm hơn 110 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 vừa qua nhiều khả năng do các công ty con khác trong hệ thống Camimex Group còn lỗ lũy kế.

Đến cuối tháng 9, lỗ lũy kế hợp nhất của CMX đã thu hẹp xuống còn âm 86 tỷ đồng, nhờ nhận thêm khoản lãi ròng gần 25 tỷ đồng của quý 3.

Giá cổ phiếu xuống thấp nhất 5 năm

Việc công ty mẹ nhận cổ phiếu từ công ty con là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm có thể tác động xấu đến giá cổ phiếu và sau đó là lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ.

Trước mắt, điều này đã khiến cổ phiếu CMX bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) liệt vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ hồi đầu tháng 9.

Nếu tiếp tục duy trì đến hết năm nay, rất có thể cổ phiếu thủy sản sẽ nhận thêm án cảnh báo từ HOSE với cùng lý do, qua đó tác động tiêu cực đến thị giá vốn dĩ đang về vùng thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ khoảng 7,790 đồng/cp (giá đóng cửa phiên 05/11).

Giá cổ phiếu CMX xuống rất thấp trong 2 năm qua

Chưa thể chia cổ tức bằng tiền ngay

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm làm cổ đông CMX không khỏi nhớ lại trường hợp tương tự 6 năm trước.

Năm 2018, ý kiến về chia cổ tức cũng được mang ra trao đổi tại đại hội thường niên. Biên bản họp dẫn lời lãnh đạo Doanh nghiệp, nói đã trình xin chấp thuận từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhưng “bị bác vì công ty còn lỗ lũy kế”.

2018 cũng là năm CMX thoát lỗ lũy kế sau giai đoạn kinh doanh bất ổn, chủ yếu do trích lập lớn dự phòng tồn kho trong năm 2013. Từ năm 2017 đến nay, Công ty liên tục có lãi.

CMX trở lại lỗ lũy kế kể từ năm 2018

Vấn đề cổ tức lại được đem ra bàn tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Tuy nhiên, điều này đã được Ban Lãnh đạo đề cập trong các tài liệu trước đó cũng như tại đại hội một cách cương quyết, rằng chưa thể trả cổ tức bằng tiền ngay, vì Công ty đang trong quá trình mở rộng và phát triển nên cần rất nhiều vốn để đầu tư, cho vốn lưu động.

Áp lực chia lợi nhuận bằng tiền còn đến từ bên ngoài. Theo tờ trình đại hội năm nay, “các tổ chức tín dụng yêu cầu CMX không chia cổ tức bằng tiền cho đến khi các chỉ số nợ hạ về mức tiêu chuẩn. Công ty chưa thể chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt”, đồng thời đề nghị tiếp tục giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư và bổ sung cho nguồn vốn hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản cũng thừa nhận đang gặp khó khăn trong quá trình thương thảo với các ngân hàng. “Việc các tổ chức tín dụng có điều khoản đề nghị không được chia tiền mặt từ nhiều năm trước, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng để loại bỏ điều khoản này, nhưng chưa thống nhất được. Ban Lãnh đạo sẽ làm việc lại với ngân hàng để gỡ bỏ điều khoản này”, biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CMX nêu.

Liệu có xung đột giữa các cổ đông lớn?

CMX đi lên từ doanh nghiệp Nhà nước, thành lập từ năm 1977 và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2006. Đến năm 2011, CMX trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư tư nhân sau đợt chào bán cổ phần ra công chúng.

Phần lớn cổ phần doanh nghiệp thủy sản hiện đang thuộc sở hữu của gia đình Chủ tịch HĐQT Bùi Sĩ Tuấn, tổng cộng 33.35% (số liệu đến ngày 30/6/2024), đã giảm so với mức 41.28% ở thời điểm năm 2021.

Ông Bùi Sĩ Tuấn

Trong đó, ông Tuấn nắm 17.61%. Vợ và con trai ông Tuấn là bà Vũ Thị Bích Ngọc và ông Bùi Đức Dũng giữ lần lượt 3.83% và 7.59%. Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bùi Đức Cường - em trai ông Tuấn - sở hữu 4.32%.

Phần đáng kể khác của CMX hiện thuộc về ông Hà Văn Bằng và Công ty TNHH ES Vina, lần lượt 13.2% và 13.32%.

Điểm đáng chú ý là: một số tờ trình liên quan đến định hướng phát triển, kế hoạch đầu tư của CMX, các giao dịch của Công ty và bên liên quan, cũng như các báo cáo của HĐQT, Thành viên độc lập HĐQT, Ban Kiểm soát luôn nhận được tỷ lệ không tán thành khá cao, 22.06%, tại đại hội năm nay.

Với 60.39% số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia dự họp, điều này đồng nghĩa vẫn có hơn 13% phần vốn không đồng ý với các vấn đề được lãnh đạo trình ra.

Tỷ lệ không tán thành một trong các tờ trình tại đại hội năm nay. Nguồn: CMX

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :